Dữ liệu y khoa

Căng thẳng tâm lý dễ gây tử vong do tim mạch: Cần biết cách tránh

  • Tác giả : Thúy Nga
Căng thẳng tâm lý (stress) không chỉ thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch mà còn có thể gây rung thất và đột tử…Biết cách bảo vệ tim mạch khi bị căng thẳng là rất cần thiết.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, lo lắng có nhiều tác động xấu tới bệnh lý tim mạch. Các lo lắng, căng thẳng cấp tính có thể gây ra tắc cấp tính động mạch như động mạch vành.

Các lo lắng, căng thẳng kéo dài có thể làm tăng huyết áp. Các lo lắng về tâm lý, tình cảm làm mất tính ổn định điện của tim từ đó có thể gây ra rối loạn nhịp tim và ngừng tim….

Các bác sĩ trung tâm đột quỵ, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, có quá nhiều căng thẳng và căng thẳng kéo dài có ra những tác động tiêu cực đến chức năng tim. Nguy cơ mắc các bệnh lý về tim tăng cao nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng quá mức và không có cách quản lý tốt như: huyết áp cao, đau ngực hoặc nhịp tim không đều.

Căng thẳng tâm lý dễ gây tử vong do tim mạch: Cần biết cách tránh ảnh 1

Căng thẳng tâm lý dễ gây tử vong do tim mạch: Cần biết cách tránh

Gây xơ vữa động mạch và đột tử

Bản thân căng thẳng đã là một vấn đề sức khỏe. Tình trạng này làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể khi bạn thường xuyên tiếp xúc với các hormone căng thẳng. Các nghiên cứu cũng liên kết căng thẳng với những thay đổi trong cách thức đông máu khiến cơn đau tim dễ xảy ra hơn.

Căng thẳng tâm lý thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch

Căng thẳng tâm lý được cho là một yếu tố gây bệnh xơ vữa động mạch quan trọng.

Bên cạnh 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây vữa xơ động mạch là tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và hút thuốc lá, căng thẳng tâm lý cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng.

Căng thẳng về tâm lý gây tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và do vậy gây ảnh hưởng xấu đến thành mạch, làm rối loạn tuần hoàn và tăng nguy cơ gây tổn thương các tế bào nội mạc, làm tăng tính thấm của tế bào nội mạch và do vậy làm tăng nguy cơ lắng đọng LDL-C gây hình thành và phát triển xơ vữa động mạch.

Có thể đột tử vì stress cấp tính

Đột tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến của các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch vành.

Có giả thuyết cho rằng khi bị căng thẳng về tâm lý cấp tính có thể gây rung thất và đột tử, do kích hoạt hệ thống bảo vệ dẫn đến làm giảm đột ngột trương lực phó giao cảm. Thông qua cơ chế thần kinh phó giao cảm trung ương làm mất sự ổn định về điện học của tim.

Trong khi đồng thời làm tăng trương lực thần kinh giao cảm ở tim dẫn đến làm tăng tần số tim, tăng co bóp cơ tim, tăng huyết áp tâm thu và gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có xơ vữa động mạch vành, làm tăng nguy cơ bị rung thất và đột tử.

Nếu stress diễn ra thời gian quá dài bạn có thể tử vong

Khi bạn bị stress, tim đập nhanh, tăng huyết áp, tăng nhịp thở. Máu được phân bố đến các cơ lớn và các quá trình tiêu hoá bị ngừng trệ. Những thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cơ thể sinh vật đó thực hiện được những hành động mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự đe doạ: hoặc chống trả hoặc chạy trốn.

Sự thay đổi ấy là một khả năng được cài đặt sẵn bên trong cơ thể, tạo ra cơ may sống còn dưới những điều kiện bị đe doạ. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua sự kích hoạt này. Ngay khi thoát khỏi một tai nạn cận kề, bạn thấy tim mình đập thình thịch, cảm giác nôn nao và lòng bàn tay ướt mồ hôi.

Ngoài ra, căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, do đó có liên quan đến các yếu tố có thể gây hại cho tim như huyết áp cao và giảm cholesterol HDL tốt.

Hơn nữa, tình trạng căng thẳng mãn tính cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tim theo cách gián tiếp như: lo lắng khiến ngủ không ngon giấc, ít có khả năng tập thể dục, lựa chọn thực phẩm lành mạnh hoặc theo dõi cân nặng của mình….Tất cả những thay đổi lối sống này có thể khiến sức khỏe của tim gặp nguy hiểm.

Biết cách xả stress giúp bảo vệ trái tim

Theo các chuyên gia, cách bạn xử lý căng thẳng cũng rất quan trọng. Nếu bạn phản ứng với nó theo những cách không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc, ăn quá nhiều hoặc không tập thể dục thì làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Mặt khác, nếu bạn tập thể dục, kết nối với mọi người và tìm thấy ý nghĩa bất chấp căng thẳng sẽ tạo ra sự khác biệt trong cảm xúc và cơ thể.

Vì vậy, nếu ta đang vật lộn với bất kỳ loại căng thẳng nào, hãy nhận biết rằng nó có thể gây ra những hậu quả tai hại. Hãy thực hiện các bước sau để giúp bảo vệ trái tim của mình trong thời gian bị căng thẳng:

Nhận lời khuyên từ các chuyên gia: Bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận được sự tư vấn chính xác về nguyên nhân cũng cách kiểm soát căng thẳng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim, chẳng hạn như béo phì hoặc huyết áp cao.

Lấy căng thẳng làm động lực: Các chuyên gia khuyến nghị, hãy biến căng thẳng thành lý do để tập thể dục thay vì sử dụng nó như một cái cớ để tránh hoạt động thể chất. Khi bạn có một ngày căng thẳng, nghỉ ngơi và đi dạo với bạn bè có thể giúp tâm trí của bạn thoát khỏi sự căng thẳng.

Thay đổi những gì bạn có thể làm để giảm bớt căng thẳng: Xác định các nguồn gây căng thẳng trong cuộc sống và tìm cách giảm thiểu - quản lý chúng. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn tìm cách kiểm soát căng thẳng.

Chấp nhận rằng có một số điều bạn không thể kiểm soát: Trước khi bạn định làm điều gì đó, hãy cân nhắc xem bạn có thực sự làm được hay không. Bạn có thể nói "không" với những yêu cầu khiến cuộc sống của bạn thêm căng thẳng.

Giữ liên lạc những người bạn yêu thương.

Thư giãn: Hãy dành một khoảng thời gian để thư giãn mỗi ngày. Bạn có thể đọc sách, nghe nhạc, thiền, cầu nguyện, tập yoga hoặc thái cực quyền, viết nhật ký, hoặc suy ngẫm về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn.

Duy trì thói quen suy nghĩ tích cực.

Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm căng thẳng lo lắng và trầm cảm.

Ngủ đủ giấc: Người lớn nên ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm.

Tìm niềm vui: Tìm kiếm một sở thích thú vị có thể thú vị và khiến bạn tránh xa khỏi những suy nghĩ tiêu cực hoặc lo lắng.

Thúy Nga