Tinh dầu lá kinh giới tốt cho trẻ nhỏ
Chị Nguyễn Thu Hoài (Tam Trinh, Hà Nội) cả tháng nay đặt hàng mướp đắng sạch để tắm cho con nhưng không có. Chị bảo, chị nhờ người ở quê tìm người trồng, nhưng tìm được nhà không phun thuốc rất khó. Trong khi mướp đắng ngoài chợ chị thấy không rõ nguồn gốc. Chị Thu Hoài cũng chia sẻ mong muốn này lên diễn đàn của các bà mẹ, thì được nhiều chị em khuyên: nếu không mua được mướp đắng sạch thì dùng lá kinh giới tắm sẽ hiệu quả không kém.
Theo ThS Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Dược liệu, mướp đắng trước đây được nhiều gia đình dùng tắm cho con vào mùa hè để trị rôm sảy, như một thảo dược mang tính hỗ trợ. Với tính chất đắng của loài quả khi ăn hoặc uống vào sẽ có tính mát. Nếu tắm, vị đắng không phát huy được, nhưng ngược lại lại có khả năng giúp chữa các bệnh ngoài da như ghẻ, lở, rôm rảy. Điều này tương tự để chữa các bệnh này, dân gian thường dùng các loại lá cây có chất đắng như lá ngâu, vỏ xà cừ, vỏ hoặc lá xoan… Trong trường hợp không có mướp đắng sạch theo nhu cầu, gia đình có thể sử dụng lá kinh giới để tắm cho con.
Cụ thể, vị chuyên gia phân tích, lá kinh giới là loài lành tính, có chứa nhiều tinh dầu nhưng lại mát (khác với nhiều loài cây có tinh dầu nhưng nóng). Khi tắm cho trẻ sẽ đọng lại một phần trên da giúp trẻ thấy mát và khoan khoái, dễ chịu, chúng ta sờ vào cũng thấy da trẻ mát. Ngoài ra, tinh dầu có khả năng kháng khuẩn nên khi tắm sẽ có tác dụng diệt khuẩn bề mặt. Nhất là trong trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi, chơi bẩn nên vi khuẩn có điều kiện phát triển gây mẩn ngứa khắp người. Nếu tắm lá kinh giới sẽ giúp trẻ vừa mát lại sạch sẽ, giảm tình trạng mẩn ngứa. Đặc biệt, kinh giới có tác dụng giải cảm, chống viêm họng do vi khuẩn… khi tắm lá này sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, khỏe mạnh hơn.
Cẩn trọng khi dùng các loại lá
Ở góc độ khác, ThS Ngô Đức Phương cũng cho hay, các loại lá như kinh giới, chè xanh, mướp đắng chỉ là hỗ trợ để giúp trẻ mát mẻ, kháng khuẩn trong ngày hè. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng cần cẩn trọng để tránh tình trạng tác dụng cho trẻ chưa thấy đâu lại mang đến nhưng nguy cơ khác.
Như, với nước tắm các loại lá nên pha loãng để hàm lượng tinh dầu ở mức vừa phải. Trường hợp trẻ ngứa nhiều, có thể tắm nước đặc, sau đó tắm lại bằng nước lạnh. Điều này giúp tăng nồng độ tinh dầu để diệt khuẩn. Nhưng cùng với quá trình này cần theo dõi da trẻ. Nếu có tình trạng mẩn ngứa nặng hơn, hoặc có bọng nước nên dừng lại hoặc pha loãng nước, tùy vào điều kiện.
Ngoài ra, khi tắm cho trẻ cần chú ý các loại lá có lông hoặc xay thành bột. Với các loại thảo dược này, cần chú ý để tránh tình trạng có lông trong nước, sau đó bám lại trên da trẻ làm trẻ ngứa. Loại nghiền bột cần được lọc một cách sạch sẽ.
“Các loại thảo dược, tốt nhất nên nấu, sau đó lọc và để lắng rồi mới hòa tắm cho trẻ. Các loại lá có lông cần được làm khắt khen hơn, thậm chí không dùng tắm cho trẻ để tránh mang thêm tật”, ThS Ngô Đức Phương nói.
Hiền Dung