Theo các chuyên gia, hoa chuông rất độc nên người dân tuyệt đối không nên dùng làm thực phẩm.
Hoa chuông chỉ nên làm cảnh.
Cấp cứu vì làm theo lời mách
Theo ThS Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ Viện Dược liệu, cây hoa chuông được trồng nhiều ở các vùng có nhiệt độ mát như Đà Lạt, Sâp, Mai Châu… Do cây có hoa đẹp nên các vùng này thường trồng làm cây cảnh.
Cây ít được dùng để ăn, nhưng do trồng trong vườn, bờ rào và gần gũi với người dân nhiều người nghĩ rằng cây có hoa đẹp nên dùng hoa này để chế biến món ăn hoặc hái lá nấu canh…
Thậm chí còn được đưa ra những tương truyền về cây là chữa mất ngủ, tiểu đường… nên một số người đã sử dụng.
Tuy nhiên, đây là loài cây rất độc nếu như ăn hay tiếp xúc phải. Hoa chuông xếp cùng chi với cây cà độc dược.
Hoa của hai loại cây này khá giống nhau. Toàn cây, đặc biệt là hạt chứa chất scopolamin có tác dụng ức chế thần kinh mạnh, gây ảo giác với tên “hơi thở/mùi của quỷ”.
Cây này duy nhất chỉ được dùng trong y học nhằm mục đích là dùng lá và hoa để chế biến như hút thuốc lá để chữa hen, nhưng dưới sự kiểm soát của bác sĩ Đông y.
Giải độc bằng cách nôn ngay sau khi nhiễm độc
Ở góc độ khác, ThS Ngô Đức Phương cũng cho hay, khi ăn phải hoa, lá hay thân của cây hoa chuông, con người sẽ bị ngộ độc.
Chất scopolamin có tác dụng ức chế thần kinh mạnh nên sinh ra cảm giác khó thở, rối loạn nhịp tim, toàn thân tê bì, có lúc rơi vào ảo giác, hoang tưởng…
Cũng vì yếu tố này nên có những giai đoạn kẻ xấu sử dụng chất scopolamin chiết xuất từ cây này để thôi miên người dân từ đó chiếm đoạt tiền và tài sản.
Theo đó, vị chuyên gia cho hay, nếu không may ăn phải và bị ngộ độc, bước đầu tiên là cần tìm cách để nôn ra ngoài.
Hoặc đưa đến bệnh viện để rửa dạ dày và ruột, truyền dịch thải độc và dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng nhanh càng tốt nhằm hạn chế tình trạng chất scopolamin ngấm vào máu.
Hà Linh