Vui quá hóa mang họa
Anh Đỗ Văn H., 42 tuổi (Hà Nội) đón người thân từ nước ngoài về quê ăn Tết. Anh em họ hàng lâu ngày mới gặp, anh phấn khích tiếp khách cả ngày tới tận khuya. Khi đi ngủ, anh thấy người hồi hộp, tức ngực, khó thở và ngất xỉu. Cấp cứu tại bệnh viện mới rõ anh bị suy tim ứ huyết cấp mà nguyên nhân là do hoạt động nhiều cộng với sự quá chén của anh.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là những đợt nghỉ kéo dài như Tết số người bị bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch tăng cao hơn gấp 19 lần so với ngày thường. Nguyên nhân một phần là do chủ quan của người bệnh trì hoãn không đi viện vào ngày nghỉ hoặc do thay đổi trạng thái từ nghỉ ngơi sang hoạt động làm tăng gánh nặng thể lực và tăng áp lực về tinh thần. Đặc biệt là chế độ sinh hoạt những ngày nghỉ, vui quá độ, uống quá chén là yếu tố quan trọng khởi phát bệnh và gây ra các biến chứng bao gồm cả tử vong. Bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi 30 – 55, có uống quá nhiều rượu, thậm chí cả bia và rượu vang.
TS Nguyễn Văn Tuấn, Khoa đột quỵ- Bệnh viện Quân y 103 phân tích, biến chứng tim mạch ngày thường hay xảy ra ở người già 60 – 70 tuổi, thì Tết đến thường ở người trẻ 30 – 50, thậm chí 20 tuổi. Bởi đây là lứa tuổi vẫn đang lao động, khỏe mạnh, trong ngày Tết mọi người thường bận rộn nhiều hơn và gặp gỡ là hay vui vẻ, chè chén. Những hoạt động thể lực đột ngột, không thường xuyên vào mùa đông do thời tiết xấu làm khởi phát bệnh và gây biến chứng ở những người có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, nghiện thuốc lá, béo phì, lười vận động…
Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, ngoài yếu tố sinh hoạt thất thường trong ngày nghỉ thì thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiệt độ thấp gây co thắt động mạch vành làm giảm cung cấp máu và oxy cho cơ tim nên dễ gây ra triệu chứng đau ngực hay gây nhồi máu cơ tim cấp.
Hơn nữa, huyết áp mùa đông tăng cao hơn mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch trong mùa đông. Tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong do nguyên nhân tim mạch ở thời điểm tháng 12 - tháng 2 cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9. Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với mùa hè. Đó là chưa kể tình trạng nhiệt độ thay đổi giữa trong phòng và ngoài trời và nhất là ở cơ thể những người uống rượu cảm giác nóng mà ra ngoài trời lạnh thì rất nguy hiểm.
Đừng để tim suy vì rượu
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cảnh báo, Tết là dịp có lượng tiêu thụ rượu bia tăng vọt và đây là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bệnh nhân ở tuổi trẻ. Thực tế, không chỉ uống quá nhiều rượu bia trong một thời gian dài mới có nguy cơ bị bệnh gan, dạ dày…và các biến chứng tim mạch trầm trọng như suy tim, ứ huyết, tăng huyết áp, tai biến mạch não, rối loạn nhịp tim và... đột tử. Ở những người không uống nhiều rượu bia thường xuyên, nhưng chè chén say sưa với lượng rượu bia lớn trong ngày Tết thường có triệu chứng khó chịu ở ngực như hồi hộp, tức ngực, đôi khi ngất và suy tim ứ huyết cấp.
Đặc biệt, nghiện rượu là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh cơ tim giãn thứ phát không do thiếu máu cục bộ cơ tim và chiếm tới 1/3 các bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn. Theo ước tính có tới 2/3 người trưởng thành có uống rượu và khoảng 10% có uống nhiều rượu.
Vì vậy, bệnh cơ tim do rượu với những triệu chứng như loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sự co bóp cơ tim và cuối cùng là suy tim đang là vấn đề đáng quan tâm ở người trẻ. Có một sự liên quan giữa những biến chứng mạch máu não và uống rượu, nhất là trong vòng 24h sau khi uống rượu. Những rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát cũng có thể xảy ra sau khi uống nhiều rượu ở những người bình thường – đó là một hội chứng được gọi là hội chứng “tim ngày nghỉ.
“Để làm giảm ảnh hưởng của thời tiết và các sinh hoạt trong các ngày nghỉ đến bệnh lý tim mạch, chúng ta nên có một chế độ sinh hoạt điều độ, đúng giờ, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột. Giữ ấm đặc biệt là những người từ nơi có khí hậu nóng đến nơi có khí hậu lạnh hơn, tránh bị gió lùa và nhiễm lạnh đột ngột. Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong các ngày nghỉ. Uống thuốc đúng chỉ định, tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Trước ngày đi làm không nên thức quá khuya. Tuyệt đối không uống quá nhiều rượu bia. Khi có dấu hiệu cần đi khám ngay. Điều trị ngoài việc dùng thuốc cần uống giảm lượng rượu”- PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn khuyên.
Thúy Nga