Tăng cân nhanh cẩn thận đái tháo đường thai kỳ
Chị Nguyễn Thị Hà (Gia Lâm, Hà Nội) sinh hai con đầu có cân nặng sấp xỉ 4kg. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chỉ khi sinh con trên 4kg mới có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên chị không mấy quan tâm. Khi sinh cháu thứ ba, chỉ 4 tháng đầu chị đã tăng khoảng 12kg, đi khám và sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị đã bị tiểu đường thai kỳ cần theo dõi chặt.
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, người mẹ tăng cân nhanh thường có mức đường huyết cao (dễ mắc tiểu đường thai kỳ), mức đường huyết cao lại dễ dẫn đến sinh con nặng cân. Trong quá trình mang thai, nếu đường huyết cao mà không được khống chế hiệu quả thì nguy cơ xảy ra những biến chứng như tử vong cho chính thai phụ bởi sự chuyển hoá của toan; nguy cơ xảy thai, thai chết lưu, đẻ non…
Về lâu dài sản phụ có thể mắc đái tháo đường typ 2, tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ lần có thai sau. Đối với thai nhi, hiện tượng thai to, dễ tử vong, bị dị tật bẩm sinh, về lâu dài trẻ sẽ dễ bị béo phì, dễ mắc đái tháo đường typ 2.
Đái tháo đường thai kỳ rất khó phát hiện nếu không làm xét nghiệm máu hoặc không làm nghiệm pháp dung nạp glucose vì bệnh thường không có các triệu chứng hay các dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài. Bởi vậy, tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải khám sàng lọc đái tháo đường thai kỳ.
Trước đây, việc sàng lọc dựa vào kết quả xét nghiệm nước tiểu, theo kết quả này sẽ không chính xác vì nhiều phụ nữ mang thai không bị đái tháo đường thai kỳ mà vẫn có đường niệu dương tính. Mặt khác, những người đái tháo đường thai kỳ có những lúc không có đường trong nước tiểu, vì vậy xét nghiệm máu sẽ cho kết quả chính xác.
Trước khi làm xét nghiệm, người bệnh nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm test cơ bản. Sau đó người bệnh được uống một cốc nước đường, khi đường ngấm vào máu, bác sĩ sẽ lấy máu lần 2 để đo mức đường huyết rồi so sánh với mức đường huyết trong mẫu máu lần 1.
Những người có nguy cơ cao đái tháo đường thai kỳ là những người đang mắc bệnh đái tháo đường hoặc đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó hay những người sinh 1 hay nhiều con có trọng lượng trên 4 kg khi mới chào đời. Phụ nữ thừa cân, phụ nữ từng sảy thai hay tiền sản giật cũng có nguy cơ cao.
Ngoài ra, những bà mẹ lớn tuổi, phụ nữ mắc huyết áp cao, phụ nữ có cha mẹ, anh, chị em ruột từng phải tiêm insulin bổ sung đều có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
Tăng đường trong máu tổn hại thai nhi
PGS.TS Tạ Văn Bình cho biết, tăng đường máu trong thời kỳ mang thai sẽ làm tổn hại đến thai nhi, gây ra những bất thường bẩm sinh, thai to hoặc sảy thai. Trong 6 tháng cuối của thời kỳ mang thai, nếu người mẹ bị tăng đường huyết sẽ gây tăng đường huyết cho thai nhi và gây tình trạng tăng insulin ở thai nhi.
Sau khi sinh, do trẻ không nhận được lượng đường nhiều như khi còn đang ở trong tử cung của mẹ, sự dư thừa insulin sẽ làm cho đường máu của trẻ dưới mức bình thường. Hạ đường máu ở trẻ rất dễ gây tổn thương các tế bào thần kinh não bộ nếu không được điều trị kịp thời. Thai của những người mẹ đái tháo đường có xu hướng to hơn bình thường nên rất dễ có nguy cơ bị đẻ non.
Vì vậy, ngoài tầm soát bệnh, người mẹ nên chú trọng chế độ dinh dưỡng. Khi mang thai, chế độ dinh dưỡng phải đạt được 3 mục tiêu: thức ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo nhu cầu trong thời gian mang thai, đảm bảo duy trì kiểm soát đường máu tốt, kiểm soát cân nặng trong suốt thời gian mang thai.
Thai phụ nên duy trì đều đặn mỗi ngày 1 cốc sữa để đủ năng lượng nuôi thai, không ăn quá nhiều gây tăng cân quá mức. Chỉ nên duy trì mức tăng cân từ 9-12kg suốt thời kỳ mang thai, trong đó 3 tháng đầu là 0,4-0,5kg/tháng; 6 tháng cuối là 0,3-0,4kg/tuần.
Khánh Thủy