ThS.BSCKII Lê Mạnh Đức, Trưởng khoa mắt, Bệnh viện Bưu điện cho biết, trong hầu hết các trường hợp, cận thị chỉ đơn giản là chút bất tiện và ít (hoặc không) gây nguy hiểm đến sức khoẻ của mắt. Nhưng thỉnh thoảng bệnh có thể tiến triển và trầm trọng hơn, được xem như dấu hiệu thoái hóa.
Cận thị thoái hóa (còn được gọi là cận thị bệnh lý) là một tình trạng tương đối hiếm được cho là di truyền và thường bắt đầu từ khi còn nhỏ.
Trong cận thị ác tính, sự kéo dài của trục nhãn cầu có thể diễn ra rất nhanh, dẫn đến tăng độ nhanh và mất thị lực. Người bệnh có nguy cơ bị bong võng mạc và những bệnh lý khác bao gồm xuất huyết mắt do sự phát triển bất thường của các tân mạch.
Cận thị thoái hóa cũng có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
Phẫu thuật điều trị biến chứng của cận thị thoái hóa bao gồm kết hợp thuốc và thủ thuật laser được gọi là phương pháp quang động học (photodynamic therapy).
Phương pháp này cũng được sử dụng để điều trị thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, một nghiên cứu thí điểm gần đây cho biết một loại thuốc có tên 7-methylxanthine (7-mx) có tác động làm chậm sự kéo dài của trục nhãn cầu ở trẻ từ 8 – 13 tuổi.