Y học và đời sống

Cần làm gì khi xuất hiện cơn hạ canxi máu?

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Hạ canxi máu là một tình trạng thiếu canxi cấp tính nguy hiểm, bệnh nhân cần được sơ cứu và bổ sung canxi ngay lập tức. Vậy làm gì khi bị hạ canxi máu?

Hạ canxi máu là tình trạng mức canxi trong máu thấp hơn mức bình thường. Nồng độ canxi huyết thanh toàn phần nhỏ hơn mức 8,5 mg/dL, trong điều kiện protein huyết tương bình thường, canxi ion hóa dưới mức 4,5 mg/dL.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo với một người trưởng thành mỗi ngày nên nạp vào cơ thể 1000 mg canxi. Trong đó sẽ có khoảng 20 - 40% lượng canxi sẽ được ruột hấp thụ, khoảng 20% sẽ được thận hỗ trợ bài tiết, 20% được đào thải qua các dịch tiêu hóa và phần canxi còn lại sẽ được đào thải ra ngoài cùng với phân.

Nguyên nhân dẫn đến hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi máu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh có thể đến từ chế độ sinh hoạt, ăn uống hay xuất hiện từ biến chứng của một số bệnh khác. Một số nguyên nhân cơ bản của canxi máu như:

- Lượng canxi cung cấp cho cơ thể không đủ: nguyên nhân này thường gặp ở những đối tượng cơ thể có nhu cầu canxi cao như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em đang phát triển nhanh. Nếu cung cấp không đủ lượng canxi hàng ngày sẽ dẫn đến tình trạng hạ canxi máu.

- Thiếu Vitamin D: lượng vitamin D cung cấp cho cơ thể không đủ cũng là một trong số những nguyên nhân thường gặp dẫn đến hạ canxi máu. Ngoài ra, việc không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa Vitamin D cho cơ thể, từ đó dẫn đến lượng canxi trong máu cũng bị ảnh hưởng.

- Bệnh lý về thận: các bệnh lý như suy thận cũng có thể dẫn đến hạ canxi máu, nguyên nhân do thận giảm bài tiết, các tế bào thận bị tổn thương làm giảm khả năng tổng hợp 1,25OH2D3. Ngoài ra, hội chứng Fanconi khiến lượng canxi qua thận giảm.

- Dùng các loại thuốc có tác dụng phụ gây ức chế hấp thu canxi: trong quá trình điều trị bệnh phải dùng thuốc hoặc trong đời sống dùng thực phẩm chức năng trong thành phần một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ức chế hấp thu canxi. Nếu dùng nhiều và thời gian dài sẽ gây hạ canxi máu ở mức cao.

Ngoài ra, tình trạng hạ canxi máu còn liên quan đến hormon PTH của tuyến cận giáp. Đây là hormon có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu, vậy nên, bất kỳ sự thay đổi nào từ PTH cũng có thể gây ảnh hưởng đến canxi trong máu. Mặc khác, các bệnh lý như viêm tụy cũng là nguyên nhân gây bệnh. Để xác định được chính xác nguyên nhân tình trạng hạ canxi, người bệnh nên được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế uy tín.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Biểu hiện thường gặp của bệnh hạ canxi máu.

Hạ canxi máu do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng những trường hợp hạ canxi máu cấp tính có khả năng gây nguy hiểm đến người bệnh. Ngày nay, với nhịp sống hối hả thì đây là một căn bệnh đang khá phổ biến nên mỗi người đề phòng bệnh thông qua một số biểu hiện cơ bản thường có.

Biểu hiện hạ canxi máu mạn tính

Hạ canxi máu mạn tính có thể là hậu quả của giảm tiết hormon tuyến cận giáp, thiếu vitamin D, suy giảm phản ứng với hormon tuyến cận giáp hoặc vitamin D. Dưới đây là một số biểu hiện cơ bản của hạ canxi máu mạn tính:

- Tóc khô

- Da khô

- Móng tay, chân giòn dễ gãy

- Thiểu sản men răng, răng dễ hư, dễ gãy

- Mắc các bệnh về cơ tim, suy tim sung huyết: mệt mỏi, nhịp tim không đều, đau ngực, thở nhanh,...

- Múa giật

- Sa sút trí tuệ

Biểu hiện hạ canxi máu cấp tính

Hạ canxi máu cấp tính thường gây nên các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng khi nồng độ canxi huyết tương < 1,9 mmol/l. Đây có thể xem là chuyển biến nặng của bệnh hạ canxi máu, mọi người cần chú ý một số biểu hiện sơ bộ của hạ canxi máu cấp tính:

- Tê quanh miệng, đầu ngón tay, đầu ngón chân

- Co giật, đôi khi xuất hiện tình trạng động kinh

- Cơ toàn thân đau nhức, cơ mặt bị co giật

- Co cứng cơ ở lưng và 2 chân

- Khó thở, suy tim cấp

- Co thắt thanh quản, phế quản

- Vọp bẻ, đau cơ

- Nuốt khó

- Lú lẫn, tâm thần

Cách sơ cứu cơ bản người bị hạ canxi máu

Người xung quanh cần bình tĩnh, nhanh chóng đỡ người bệnh nằm xuống chỗ thoáng mát nghỉ ngơi, trấn an tinh thần người bệnh. Nhanh chóng kiểm tra và lấy canxi dạng viên sủi có sẵn, đợi thuốc hòa tan rồi gọi bệnh nhân dậy cho uống. Nếu người bệnh tỉnh táo, hợp tác, cho uống từ từ từng ngụm nhỏ. Nếu bệnh nhân cứng hàm, khó nuốt, phải nâng đầu cao, đánh thức bằng cách vỗ vào má và đút từng thìa nhỏ, tránh để sặc. Sau đó nhanh chóng gọi hỗ trợ và đưa người bệnh lên viện càng sớm càng tốt.

Giang Thu (Tổng hợp)