Khoa học & Công nghệ

Cai nghiện game ngày hè

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Nghỉ hè, nhiều trẻ có nguy cơ nghiện game, điện thoại, tivi… Nghiện game nằm trong danh sách rối loạn phát triển tâm thần, hành vi hoặc phát triển thần kinh của WHO.

Rối loạn sức khỏe tâm thần

Game online không chỉ là một loại hình giải trí phổ biến mà đã trở thành một nỗi lo bởi nhiều người đã dành toàn bộ thời gian cho game, thậm chí đã có trường hợp phải nhập viện và có cả trường hợp tử vong vì game. Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra phán quyết công nhận nghiện game là một rối loạn sức khỏe tâm thần. Quyết định của WHO đã vấp phải một số chỉ trích từ những người trong ngành công nghiệp game, bao gồm Hiệp hội Giải trí & Trò chơi Tương tác, các đại diện từ Mỹ, Anh, Canada, Úc và các quốc gia khác trên thế giới.

Định nghĩa của WHO về rối loạn chơi game được đặc trưng bởi một hành vi chơi game liên tục hoặc tái diễn. Theo TS Lê Anh Dũng, Công ty CP đồ chơi và thiết bị giáo dục Vietseed, trò chơi trực tuyến, trò chơi điện tử (gọi chung là game) tác động mạnh mẽ đến tâm lý người chơi. Trên phương diện cảm xúc, người chơi sẽ hình thành phản ứng lệ thuộc, nghiện game và ảo tưởng về bản thân. Nhiều game thủ không ngần ngại đánh đổi tình yêu, tình cảm gia đình và các giá trị thật ngoài cuộc sống để chạy theo giá trị ảo trong trò chơi.

Đặc biệt kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình không có điều kiện quản lý con, để mặc con với chiếc máy tính ở nhà, rất dễ dẫn đến nghiện game. Có thể nhận biết trẻ nghiện game qua thói quen chơi game 3- 4 tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày. Những triệu chứng của nghiện net, nghiện game bao gồm cảm thấy bồn chồn sốt ruột khi không được lên mạng, chơi game liên tục nhiều giờ, luôn bị ám ảnh bởi game, mất khả năng kiểm soát hành vi...

Giúp trẻ thoát khỏi “cơn nghiện”

Trò chơi trực tuyến từ ý tưởng ban đầu là thú tiêu khiển để giải trí và giảm stress, có tác dụng kích thích tính sáng tạo, trí tưởng tượng, tính cộng đồng của người chơi nhờ tận dụng ưu thế của internet (tính ảo, tính trực tuyến, tính kết nối).  Nhưng khi đã bị lệ thuộc, nghiện game thì kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Theo TS tâm lý Nguyễn Mạnh Hà, ĐHQG Hà Nội, phát hiện con có dấu hiện nghiện game, cha mẹ phải tìm cách trò chuyện cùng con, chia sẻ với con những câu chuyện về hậu quả của nghiện game. Có thể dùng biện pháp cai game bằng kỷ luật. Hãy tìm các biện pháp khéo léo để cách ly con và internet. Ví dụ: Đặt máy tính ở nơi dễ quan sát, trẻ sẽ tự biết “mọi người có thể thấy tất cả những gì mình làm trên máy”. Hạn định thời gian sử dụng internet mỗi ngày (dưới 30 phút) và cứng rắn đảm bảo “luật” này được tôn trọng, kèm theo các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm. Sau đó ngắt mạng, cho trẻ về quê hoặc đi du lịch, tham gia trại hè... Nói chung phải giúp trẻ cách ly với internet ít nhất năm ngày mới đủ thời gian phá vỡ thói quen cũ.

Ngoài ra, cha mẹ cần khỏa lấp sự hụt hẫng nhu cầu chơi game của trẻ bằng cách hướng con cái vào hoạt động giải trí bổ ích khác hay những hoạt động khám phá thú vị như trại hè, xem kịch, chơi thể thao. Trường hợp cần thiết hãy làm một cuộc “cách mạng” cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, luôn sẵn sàng có mặt khi con cần, dành thời gian cho con. Biện pháp tốt nhất để những người nghiện game có thể cai thành công là tìm được hoạt động bổ ích khác phù hợp sở thích và khả năng để thay thế game. Song song với đó hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống, lập kế hoạch cụ thể thực hiện mục tiêu đó sẽ giúp phòng ngừa tái nghiện game.

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy rằng đã có trường hợp chơi trò chơi video tới 20 giờ mỗi ngày và không ăn hoặc ngủ, gây rối loạn tâm thần...

Hà Bình