Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023.
Theo đó cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp; triển khai hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ...
Cụ thể, sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, liên quan đến cải cách tiền lương.
Theo đó, Bộ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất: Tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo theo hướng tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mức lương thấp nhất cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.
Trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gửi Bộ Tư pháp thẩm định để thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Ngày 27/4/2023, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 62/BCTĐ-BTP báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 5/2023.
Thời gian tới Chính phủ sẽ thực hiện lộ trình cải thiện tiền lương - Ảnh minh họa, nguồn: chinhphu.vn |
Lương công chức về hưu không đủ sống
Ngày 25/5, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác. Lộ trình cải cách tiền lương là điều được nhiều đại biểu quan tâm.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Ông trăn trở khi thực tế hiện nay nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu lương không đủ sống.
“Vừa qua TP HCM đã phỏng vấn nhiều công nhân, chúng tôi gặp và người lao động cũng đã phản ánh rất nhiều, đó là: Nhiều người lao động có thể đi làm đủ 30 năm ở doanh nghiệp, đóng đủ hết tiền bảo hiểm xã hội, nhưng đến khi về hưu, nhận lương hưu 2,5 triệu - 3 triệu/tháng, không đủ sống, lại phải đi làm thêm kiếm đủ tiền trang trải”, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần xác định mục tiêu của cải cách tiền lương. Trong quá trình xây dựng lộ trình cải cách tiền lương phải xác định mức tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu, nếu không sau đó, công chức sẽ rất khó khăn, mà đặc biệt là người lao động còn khó khăn hơn.
Quan trọng nhất, phải xác định mức tiền lương tối thiểu làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, cần nuôi được gần thêm một người để họ còn nuôi con, cha mẹ mình lúc về già.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không chỉ những người về hưu, ngay cả người đang lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường, lương cũng không đủ sống.
Bên cạnh đó, những người đột phá cống hiến nhiều, nhưng còn trẻ thì hệ số lương vẫn thấp, không bằng người lao động "lão làng” nhưng không có gì xuất sắc, làm việc bình thường. Như vậy, chúng ta vẫn bị “chủ nghĩa bình quân”.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2023 như sau:
Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất: Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 01/01/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 12,5% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/tháng.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, với việc điều chỉnh nêu trên thì dự kiến có khoảng 230 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do Ngân sách nhà nước chi trả với kinh phí điều chỉnh khoảng 330 tỷ đồng.