Thời sự

Caffeine gây tăng huyết áp, nguy cơ ung thư dạ dày?

  • Tác giả : Thúy Nga
Uống thuốc chống say Hàn Quốc có chứa caffeine và không có tiền sử huyết áp, nhưng đi khám định kỳ, một phụ nữ trung niên có chỉ số huyết áp lên 175/100mmHg, sau 30 phút vọt lên gần 200.

“Caffeine gây ra sự gia tăng huyết áp trong thời gian ngắn nhưng đáng kể, ngay cả khi không bị huyết áp cao. Nguyên nhân caffeine có thể ức chế một loại hormone giúp cho các động mạch giãn ra (nghĩa là mạch máu bị co lại gây tăng huyết áp). Caffeine khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenaline hơn - đây là chất làm huyết áp tăng lên”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết.

Nhiều người “nguy kịch” vì caffeine

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, trường hợp bệnh nhân kể trên chưa hề có tiền sử tăng huyết áp, không có bất cứ triệu chứng cơ năng nào nên nghĩ ngay đến do sử dụng thuốc. Những thuốc hay gây tăng huyết áp như corticoid, chống viêm giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc nội tiết… và cả thuốc đông y nếu dạng bột tán (bị pha với steroids).

“Bệnh nhân khẳng định không dùng thuốc gì và sau gần 2 giờ mới nhớ ra trước khi xuống Hà Nội đã dùng 1 lọ thuốc chống say của Hàn Quốc. Truy tìm thành phần trong đó có chứa caffeine. Sau 3 tiếng huyết áp chị đã về bình thường”, PGS.TS Hiếu nói.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khám bệnh cho bà con

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khám bệnh cho bà con

Không đơn giản như trường hợp bệnh nhân trên, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện Trưởng Viện tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ, không kể nhiều bệnh nhân nguy kịch ngất xỉu, hôn mê do uống thuốc giảm cân có chứa caffeine, ông còn tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều người viêm loét, thủng dạ dày, thậm chí có nhiều biến chứng nguy hiểm khác vì uống nhiều cà phê.

Chẳng hạn, chị H.T (39 tuổi, Hải Dương) vì mong muốn giảm cân, chị đã mua cà phê giảm cân trên mạng. Sau 1 tháng chị giảm được 5kg nhưng bắt đầu buồn nôn, đầu óc choáng váng, nhiều khi đang làm việc ngất lịm giữa chừng.

Tệ hại hơn, sau vài ngày chị bị nôn ra máu, lúc máu đen, lúc máu tươi. Khi đến viện cấp cứu kết quả chị bị xuất huyết dạ dày và thủng một mảng lớn bên phía bờ cong lớn. Bác sĩ phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ dạ dày, sau đó nối tắt dạ dày. Sau 3 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân mới dần trở lại được cuộc sống bình thường.

Bệnh nhân N.M.K (34 tuổi, Hà Nội) làm nghề IT hay thức khuya và tập trung cao độ trong công việc nên thường xuyên uống cà phê, mỗi ngày 4-5 cốc. Gần đây, anh bị đau bụng, âm ỉ vùng thượng vị... đi khám phát hiện viêm loét hang vị dạ dày. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc và bổ sung nước ép hoa quả, nước lọc, nếu không khắc phục có thể dẫn đến ung thư dạ dày...

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phẫu thuật nội soi cắt dạ dày cho bệnh nhân

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phẫu thuật nội soi cắt dạ dày cho bệnh nhân

Tác hại của việc kích thích

PGS.TS Hiếu phân tích, caffeine có thể gây ra sự gia tăng huyết áp trong thời gian ngắn nhưng đáng kể, ngay cả khi bạn không bị huyết áp cao. Không rõ nguyên nhân gây ra sự tăng vọt huyết áp này. Phản ứng huyết áp với caffeine khác nhau giữa người này và người khác.

Đối tượng không nên sử dụng thực phẩm chứa caffeine

- Người có vấn đề về đường ruột, hội chứng ruột kích thích...

- Người bị tăng nhãn áp

- Người bị bệnh tim

- Người bị huyết áp cao

- Phụ nữ mang thai và cho con bú

- Người cao tuổi

- Trẻ em dưới 12 tuổi

- Người bị rối loạn giấc ngủ

- Người hay lo lắng

- Người bị động kinh

- Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, caffeine có thể ức chế một loại hormone giúp cho các động mạch giãn ra (nghĩa là mạch máu bị co lại gây tăng huyết áp). Các nghiên cứu khác lại chỉ ra, caffeine khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenaline hơn đây là một chất làm huyết áp tăng lên.

Một số người thường xuyên dùng đồ uống chứa caffeine thường có chỉ số huyết áp trung bình cao hơn. Những người này có khả năng dung nạp caffeine nên ít bị tăng huyết áp khẩn cấp khi uống cà phê.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tác động của cà phê lên chỉ số huyết áp gần như ngay lập tức sau khi tiêu thụ. Một đánh giá dựa trên 34 nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ từ 200 đến 300 mg caffeine từ cà phê - xấp xỉ lượng tiêu thụ từ 1.5 đến 2 cốc - dẫn đến sự tăng trung bình từ 8mmHg và 6mmHg chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương, tương ứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, cà phê chứa caffeine, một chất kích thích có thể kích thích hoạt động dạ dày và dẫn đến các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa và tiêu chảy. Tác hại của cà phê được biết đến nhiều nhất là mất ngủ. Chất lượng giấc ngủ không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, da … Vì vậy chỉ nên sử dụng cà phê vào ban ngày, hạn chế buổi tối.

Trường hợp dùng cà phê để thay thế bữa sáng tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng, cần phải loại bỏ và thay đổi. Sau một đêm dạ dày thường trống rỗng và tiết ra 1 loại axit có tên là Hydrochloric (HCI). Nếu ở mức độ vừa phải acid này sẽ xử lý thức ăn để việc tiêu hóa tại dạ dày được diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Do vậy, chúng ta cần phải nạp thức ăn vào để acid có nguyên liệu để thực hiện hoạt động phân hủy. Nếu dạ dày trống, lượng acid này có thể bào mòn và làm hại dạ dày dẫn đến hiện tượng cồn cào ruột.

Việc thay thế điểm tâm bữa sáng bằng cà phê được cho là hành động tiếp tay cho loại acid hydrochloric tiết ra nhiều hơn, dẫn đến tình trạng dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là phần niêm mạc dạ dày và ống tiêu hóa. Nếu không kịp thời thay đổi thói quen xấu này, bạn sẽ có thể phải đối mặt với bệnh ung thư dạ dày.

Ngoài ra, caffeine còn có tác dụng kích thích tiết axit trong dạ dày, đặc biệt đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc bị loét dạ dày, viêm dạ dày. Uống quá nhiều cà phê cũng có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi, sắt và các loại khoáng chất khác.

“Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, dùng 400 miligam caffeine mỗi ngày là an toàn cho hầu hết mọi đối tượng. Hãy nhớ rằng, lượng caffeine trong cà phê, nước tăng lực và các loại đồ uống, thuốc thay đổi tùy theo nhãn hiệu và phương pháp pha chế, nên đọc kỹ sử dụng trước khi dùng, tránh tình trạng bị tăng huyết áp khẩn cấp.

Còn nếu bạn bị tăng huyết áp, nên tránh dùng caffeine ngay trước các hoạt động như chơi thể thao hoặc lao động chân tay nặng nhọc.

Mẹo nhỏ để “test” caffeine có thể làm tăng huyết áp của mình hay không, hãy đo huyết áp trước khi uống một tách cà phê hoặc đồ uống có chứa caffeine và kiểm tra lại sau 30 đến 120 phút. Nếu huyết áp tăng khoảng 5 đến 10 mmHg, bạn có thể thuộc type nhạy cảm với tác dụng làm tăng huyết áp của caffeine.

Nếu muốn giảm số lượng sử dụng caffeine hãy thực hiện dần dần trong vài ngày đến một tuần để tránh bị đau đầu do hiện tượng dừng đột ngột”, PGS.TS Hiếu khuyên.

Thúy Nga