KHOẺ ĐẸP

Cách xử lý mụn nhọt, tránh nhiễm trùng nguy hiểm

  • Tác giả : Thúy Nga
Mụn nhọt có thể gây nhiễm khuẩn lan rộng hoặc nguy cơ gây nhiễm khuẩn máu đe dọa tính mạng trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách phòng ngừa cho trẻ.

Các bác sĩ khoa hồi sức tích cực, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, tại khoa hồi sức tích cực ngoại thường xuyên tiếp nhận bệnh lí nhọt nhiễm trùng sâu gây các biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh do tụ cầu vàng nguy hiểm

Theo TS.BSNT Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông, tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh, nguyên nhân thường gặp là tụ cầu vàng.

Biểu hiện ban đầu của mụn nhọt là xuất hiện các nốt sẩn đỏ ở nang lông rồi to dần lên trong vòng 2 -4 ngày, trên đầu nốt nhọt xuất hiện ngòi mủ (dấu hiệu mụn nhọt chín). Kích thước nhọt từ 1 - 2cm, có thể lên tới 5cm hoặc mọc thành cụm.

Ở trẻ em, bệnh lí này thường gặp vì trẻ em hiếu động, vận động nhiều, tiếp xúc với nhiều nguyên nhân gây bệnh, ý thức giữ gìn vệ sinh tay, vệ sinh cơ thể chưa tốt. Tiến triển của mụn nhọt từ khi bắt đầu tới khi khỏi là khoảng 1 tuần.

Ban đầu nhọt cứng, dần mềm rồi vỡ hoặc rò mủ, có thể để lại sẹo to. Nhọt có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, thường gặp ở vùng râu cằm, nách, mông, sau gáy,...

Nhiễm khuẩn da thường gặp do tụ cầu, đặc biệt là tụ cầu vàng dễ gây nhiễm khuẩn huyết thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da.

Vi khuẩn tiết ra độc tố gây hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi..), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (các ở viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu, tổn thương suy đa tạng và tử vong nhanh chóng. Khi bị nhiễm trùng mụn nhọt, trẻ thường có các biểu hiện sau:

Các nhọt xuất hiện gần nhau tạo thành cụm nhọt, các nốt ban đầu có kích thước nhỏ, có thể tăng tới kích thước lên tới 5cm, khiến một vùng da bị nhiễm trùng, có các rãnh nối với nhau bên dưới da;

Vùng da khu vực nổi nhọt bị đỏ, sưng nóng và đau;

Bên trong các nốt nhọt chứa đầy mủ, nhìn thấy đầu trắng trên nốt mụn, cuối cùng bị vỡ và chảy dịch ra ngoài;

Bệnh nhân có thể bị sốt và sưng hạch. Nếu bệnh nhân bị sốt cao, đi kèm các triệu chứng toàn thân nặng thì cần theo dõi xem có biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch hay không.

Ngoài ra, vi khuẩn có thể đi theo đường máu gây viêm nhiễm ở van tim, khớp, phủ tạng, thận, các xương dài,...

Vậy nên, nếu xuất hiện quá nhiều nhọt vào cùng một thời điểm, xuất hiện cả cụm nhọt hoặc có các biểu hiện như: Mụn nhọt mọc trên mặt gây ảnh hưởng tầm nhìn, vùng da bị mụn ngày càng gây đau dữ dội, sốt, kích thước mụn nhọt tăng nhanh chóng, nhọt không lành lại sau hơn 2 tuần, mụn nhọt tái phát nhiều lần,... thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Cách xử lý mụn nhọt, tránh nhiễm trùng nguy hiểm - Ảnh minh họa

Cách xử lý mụn nhọt, tránh nhiễm trùng nguy hiểm - Ảnh minh họa

Mụn nhọt bị nhiễm trùng cần được phát hiện và xử trí cẩn thận

Không có biện pháp nào giúp phòng ngừa hoàn toàn khả năng bị mụn nhọt. Tuy nhiên, ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn - nguyên nhân chính gây mụn nhọt cho bé nhé:

Giáo dục trẻ thói quen rửa tay với xà phòng và nước sạch. Đây là biện pháp tốt nhất để trẻ tự bảo vệ bản thân trước các loại vi khuẩn;

Giữ vết thương luôn khô ráo, sạch sẽ. Nếu có các vết trầy xước, vết cắt hoặc vết thương hở trên da thì hãy giữ vệ sinh các vết thương, đảm bảo sự khô ráo của vết thương cho tới khi lành lại hẳn;

Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân với những người khác. Cụ thể, trẻ không nên dùng chung khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc vật dụng cá nhân với người khác vì vi khuẩn có thể lây nhiễm qua các đồ vật này, đi vào cơ thể của trẻ;

Xây dựng một lối sống và chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Đó là trẻ cần được hoạt động, tập luyện thể dục thể thao, ăn nhiều rau củ quả, đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin A, C, D, E,...

Mụn nhọt bị nhiễm trùng là tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe của người trẻ. Do vậy, mỗi người cần chú ý giữ gìn vệ sinh, tránh xa các yếu tố nguy cơ để giảm khả năng mắc mụn nhọt. Khi bị mụn nhọt, trẻ cần được thực hiện trị liệu đúng theo lời khuyên của bác sĩ để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Thúy Nga