Yêu

Cách phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gây vô sinh, ung thư

  • Tác giả : Thúy Nga
Mỗi ngày trên thế giới ghi nhận hơn 1 triệu người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, dễ gây ung thư và vô sinh. Vậy phòng tránh thế nào?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là những bệnh mắc phải khi quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ qua cơ quan sinh dục, đường hậu môn hay bằng miệng. Vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng mang mầm bệnh có thể truyền từ người này sang người khác qua tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết khác trên cơ thể.

Mỗi ngày trên thế giới ghi nhận hơn 1 triệu người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, đây là số liệu cập nhật mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các bệnh thường gặp bao gồm:

Bệnh lậu

Lậu được gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Bệnh gặp ở những người quan hệ tình dục không an toàn qua đường sinh dục, hậu môn và đường miệng. Bệnh lậu có thời gian ủ bệnh ngắn, khoảng 2 - 7 ngày. Bệnh lậu thường gặp ở 2 giới, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Đối với nam giới, khi mắc lậu sẽ có triệu chứng như xuất hiện mủ dương vật, đi tiểu buốt, đau ở vùng đầu dương vật hay tinh hoàn.

Chlamydia

Bệnh được gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis, lây nhiễm cho cả và nam và nữ. Triệu chứng của bệnh thường ít có dấu hiệu nhận biết, nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác. Chlamydia được xác định khi người bệnh làm xét nghiệm nước tiểu, dịch tiết niệu đạo. Người bệnh sẽ được điều trị chlamydia bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Sùi mào gà

Sùi mào gà là bệnh lây truyền tình dục phổ biến do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Bệnh xuất hiện cả ở nam và nữ, nhưng thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn do môi trường âm đạo thuận lợi cho virus phát triển. Sùi mào gà hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy người bệnh có thể chung sống đến suốt đời. Nghiêm trọng hơn, bệnh có thể dẫn đến ung thư tử cung, dương vật.

Giang mai

Giang mai có tên khoa học là Syphilis, do xoắn khuẩn Giang mai (Treponema pallidum) gây ra. Triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh da liễu thông thường, bệnh thường xuất hiện ở thân mình, lòng bàn tay và bàn chân.

Ở mỗi giai đoạn, Giang mai sẽ có những biểu hiện khác nhau

Giai đoạn 1: Xuất hiện loét ở bộ phận sinh dục, một số trường hợp khác nổi hạch ở bẹn. Ở giai đoạn này bệnh thường không gây đau đớn nên mọi người thường chủ quan.

Giai đoạn 2: Người bệnh sẽ xuất hiện nổi ban ở lòng bàn tay, thân mình và lòng bàn chân. U sùi ở hậu môn, tuy nhiên giai đoạn này bệnh vẫn chưa gây đau đớn.

Giai đoạn 3: Giang mai lây lan và làm tổn thương các cơ quan như xương, tim, da , thần kinh…

Herpes sinh dục

Mụn rộp sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus Herpes gây nên. Biểu hiện của bệnh bao gồm ban mụn nước, mọc thành chùm tại bộ phận sinh dục và có hạch trong một số trường hợp. Virus gây bệnh là Herpes simplex, thường gặp ở type 2 hơn type 1.

Bệnh không có triệu chứng rõ rệt nên chỉ xác định được khi bệnh bùng phát. Các đợt bùng phát thường lặp đi lặp lại nhiều lần và đặc biệt trong năm đầu tiên của bệnh, HPV sẽ tồn tại trong cơ thể đến suốt đời.

Viêm gan B

Virus viêm gan B gây bệnh ở gan, nhưng lại lây bệnh qua dịch sinh dục và máu. Virus viêm gan B lây lan rất nhanh, người mới mắc bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng. Một số triệu chứng có thể gặp bao gồm: vàng da, chán ăn, mệt mỏi,... Bệnh không được điều trị tốt sẽ dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị viêm gan B khỏi hoàn toàn, chỉ có thuốc ức chế hoạt động của virus.

Cách phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục

Phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng là cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể phòng ngừa bằng cách:

• Không quan hệ tình dục khi say rượu hay sử dụng chất kích thích.

• Quan hệ chung thủy một vợ, một chồng.

• Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

• Sử dụng bao cao su khi quan hệ.

• Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ.

BSCKII Nguyễn Văn Phúc (Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Thúy Nga