Việc hiểu rõ kiến thức về các khía cạnh của giới tính – tính dục sẽ giúp chúng ta hiểu được sự đa dạng của con người trong vấn đề giới, đồng thời nhìn nhận về lưỡng giới, đồng tính một cách tích cực, chính xác và tránh những ngộ nhận về giới tính.
Giới tính sinh học: Được xác định từ khi 1 người mới ra đời, đa số được quyết định bởi bộ sinh dục ngoài, cơ quan sinh dục trong và nhiễm sắc thể của người đó.
Nam giới: Có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh với dương vật, tinh hoàn và nhiễm sắc thể giới tính XY.
Nữ giới: Có bộ phận sinh dục nữ hoàn chỉnh với âm vật, môi lớn, môi bé, tử cung buồng trứng và nhiễm sắc thể giới tính XX.
Cách xác định giới tính để biết lưỡng giới thật và lưỡng giới giả |
Bản dạng giới: Là sự cảm nhận của mỗi cá nhân về giới tính của mình. Bản dạng giới bao gồm:
Nam: Cảm nhận mình thuộc phái nam theo chuẩn mực xã hội, muốn hành xử như một người nam và được đối xử như một người nam.
Nữ: Cảm nhận mình thuộc phái nữ theo chuẩn mực xã hội, muốn hành xử như một người nữ và được đối xử như một người nữ.
Không định giới/phi nhị giới: Cảm nhận mình không hoàn toàn thuộc về giới nam hoặc giới nữ, muốn hành xử theo cách riêng của mình, không gắn với chuẩn mực xã hội của nam hoặc nữ và muốn được đối xử 1 cách trung tính, không theo chuẩn mực xã hội dành cho nam hoặc nữ.
Thể hiện giới: Là biểu hiện bên ngoài theo ước lệ xã hội về giới thông qua ngoại hình cơ thể bao gồm quần áo, phụ kiện, kiểu tóc, trang sức, mỹ phẩm, cử chỉ, điệu bộ, nói năng, và các khuôn mẫu hành vi trong giao tiếp với người khác.
Xu hướng tính dục: Là việc có cảm xúc yêu đương, ham muốn tình dục với người thuộc giới nào.
Đồng tính nữ (Lesbian): Người có bản dạng giới nữ, có ham muốn tình dục với người có bản dạng giới nữ
Đồng tính nam (Gay): Người có bản dạng giới nam, có ham muốn tình dục với người có bản dạng giới nam
Khuynh hướng tình dục song tính (Bi-sexual): Có ham muốn tình dục với cả người có bản dạng giới nam và người có bản dạng giới nữ.
Khuynh hướng tình dục vô tính (Asexual): Không có ham muốn tình dục với bất kỳ ai
Hiện nay, khi đời sống xã hội phát triển, các vấn đề liên quan đến giới và bình đẳng giới ngày càng được quan tâm. Các khái niệm “giới tính thứ ba”; “chuyển giới”, “đồng tính/song tính” “LGBT”,…không còn quá xa lạ khi được nhắc đến trên Thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tuy nhiên các định kiến mang tính kỳ thị, trêu chọc, mỉa mai hay cô lập vẫn còn nhiều. Chính điều này làm cho bản thân người có những biểu hiện gọi là lệch lạc và gia đình hết sức hoang mang, lo lắng.
Không ít người nghĩ rằng do ảnh hưởng từ bên ngoài, từ bạn bè, phim ảnh… đã khiến cho người đó có những dấu hiệu “không phù hợp với giới tính” và có thể “điều trị” bằng thuốc men hay liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, đây đều là những tình trạng đã “ẩn náu” ngay bên trong mỗi con người từ khi bé và dần dần bộc lộ khi trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì.
Lưỡng giới, đồng tính không phải là bệnh, chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tính dục. Người đồng tính vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường, có tương lai và cuộc sống như bao người khác. Do đó, thay vì không chấp nhận mà giám sát, cấm đoán, nên cố gắng vượt qua định kiến, để tạo cho con một môi trường ” an toàn tinh thần”.
TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi TƯ