Đánh giá thị trường bất động sản năm 2022, UBND thành phố cho biết nguồn cung giảm rõ rệt do quy định về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất.
Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính… dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo quy định phối hợp liên thông, đồng bộ. Điều này làm khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung thị trường.
Đồng thời, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhiều doanh nghiệp bất động sản, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản ở TP HCM phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP HCM đã đề xuất nhiều giải pháp cần tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương - Ảnh minh họa. |
Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM đề xuất 10 giải pháp cần tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương.
Thứ nhất, phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.
Thứ hai, dự án phát triển nhà ở chịu sự điều chỉnh, chi phối của rất nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật chưa có sự đồng bộ, thậm chí chồng chéo dẫn đến tình trạng xung đột, không thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước. Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cần được nghiên cứu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và tháo gỡ các điểm nghẽn khi các luật được ban hành.
Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình từ năm 2023 đến năm 2025.
Thứ tư, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.
Thứ năm, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh BĐS nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ, động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ sáu, rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ bảy, tăng cường kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn đầu cơ, thao túng, thổi giá... Tập trung kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS...
Thứ tám, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực BĐS bảo đảm đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Thứ chín, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp sổ hồng được phép chuyển nhượng dự án.
Thứ mười, sớm ban hành quy định về thuế suất giao dịch BĐS và số lượng BĐS sở hữu chịu thuế để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, tăng nguồn thu từ giao dịch BĐS và đảm bảo hoạt động kinh doanh BĐS được minh bạch, lành mạnh./.