Suy tim không chỉ là bệnh lý mãn tính phức tạp mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Đối với những người mắc bệnh này, việc kiểm soát lượng natri trong chế độ ăn uống hàng ngày là cực kỳ quan trọng.
Suy tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh mạch vành , tăng huyết áp, viêm cơ tim hoặc các vấn đề như bệnh tiểu đường và bệnh thận có thể tạo ra tình trạng tăng áp lực trên tim và gây ra suy tim.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến suy tim là lượng natri trong chế độ ăn uống. Điều này đặc biệt quan trọng vì natri có thể làm tăng triệu chứng suy tim. Khi chúng ta ăn nhiều muối hoặc natri, điều này khiến cơ thể tích nước làm tăng huyết áp và gây áp lực nhiều hơn lên tim và thận.
Theo Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo hạn chế lượng natri tiêu thụ hàng ngày trong khoảng 1.500-2.300 milligram (mg) mỗi ngày. Natri tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm hải sản, gia cầm, thịt đỏ, sản phẩm sữa và sản phẩm từ thực vật.
Nhưng nguồn natri lớn nhất là muối, được thêm vào nhiều món ăn tự làm và hầu hết các loại thực phẩm chế biến.
Thực phẩm ít natri tốt cho sức khỏe |
Để giúp giảm lượng natri trong chế độ ăn của bạn thì bạn nên:
-Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn, thịt chế biến, các loại mì và gạo đã gia vị, sốt salad và các loại gia vị, bánh quy và các loại đồ ăn nhẹ khác.
- Khi bạn mua thực phẩm chế biến hoặc đóng gói sẵn, hãy đọc nhãn dinh dưỡng và chọn lựa các thực phẩm ít natri.
- Hạn chế lượng muối bạn thêm vào các món ăn tự làm. Sử dụng sả, gừng và hành là những loại gia vị tự nhiên quen thuộc không chỉ tạo ra hương vị đặc trưng mà còn giúp tăng cảm giác ngon miệng mà không cần sử dụng nhiều muối. Bạn có thể sử dụng chúng để nêm gia vị cho các món ăn, thay thế cho muối hoặc kết hợp với các loại rau sống để tạo ra các món salad ngon và bổ dưỡng.
- Thay vì sử dụng sốt và sốt mặn giàu natri, bạn có thể thử sử dụng các loại sốt chua như nước cốt chanh, giấm trái cây hoặc nước cốt dừa để tạo ra các món ăn ngon và độc đáo. Sốt chua không chỉ giúp làm dịu vị cay của thực phẩm mà còn làm tăng cảm giác ngon miệng mà không cần sử dụng nhiều muối.
Cách thực hiện chế độ ăn ít natri trong đời sống hàng ngày:
- Để triển khai chế độ ăn ít natri , cần lập kế hoạch cho một thực đơn cân đối, thay đổi thói quen ăn uống và biết cách chế biến thực phẩm để giảm lượng natri.
- Cần khoảng 6 đến 8 tuần để cơ thể thích nghi với chế độ ăn ít muối hơn. Hãy thay đổi nhỏ từng ngày và kiên nhẫn với bản thân.
Mặc dù việc thực hiện chế độ ăn ít natri mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đồng thời đối mặt với nhiều thách thức như thói quen ẩm thực, sở thích cá nhân và khó khăn trong việc tìm kiếm thực phẩm phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều cách để vượt qua những thách thức này như tìm kiếm thực phẩm thay thế và tìm sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, gia đình và bạn bè.
Một số lưu ý khác về chế độ ăn mà chúng ta cần biết: Natri không phải là phần duy nhất của chế độ ăn mà bạn cần phải lưu ý:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm. Điều này sẽ giúp đảm bảo bạn nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau cải, đậu, thực phẩm nguyên cám và trái cây tươi trong chế độ ăn. Chất xơ giúp di chuyển thức ăn dọc theo đường tiêu hóa, kiểm soát mức đường huyết và có thể giảm mức cholesterol trong máu. Cơ thể cần tiêu thụ từ 25 đến 35 gam chất xơ mỗi ngày.
-Hạn chế sử dụng đồ uống có chứa chất kích thích. Nó có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và làm tình trạng suy tim trở nên nặng hơn. Hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ về lượng nước nên uống mỗi ngày. Hạn chế lượng nước vào nếu cảm thấy khó thở hoặc nhận thấy phù chân tay.
Chế độ ăn ít natri không chỉ là một phần quan trọng trong quản lý suy tim mà còn là một phương pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng. Việc thực hiện chế độ này đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe và trạng thái tinh thần của người bệnh.
BS Trần Thu Cúc (Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108)