Dữ liệu y khoa

Cách khắc phục và phòng tránh thương tích tê tay chân do hóa trị

  • Tác giả : Kim Phượng Nguyễn
Tổn thương thần kinh là là một tác dụng phụ khá phổ biến của hóa trị gây khó chịu và thương tích cho người bệnh. Vì vậy, cần biết cách xử lý khi gặp biến chứng.

Hóa trị là một trong những vũ khí quan trọng giúp người bệnh ung thư chiến đấu với bệnh tật. Bên cạnh những hiệu quả và ứng dụng mà hóa trị mang lại thì nó cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Tổn thương thần kinh là là một tác dụng phụ khá phổ biến của hóa trị.

Khi các tế bào thần kinh bình thường bị tác động bởi thuốc điều trị ung thư, nó phá hủy các thành phần của tế bào như thân tế bào và sợi trục. Một khi não nhận các tín hiệu điện bất thường được gửi về từ các vùng bị tổn thương, nó gây ra cảm giác đau hoặc tê.

Tổn thương thần kinh ngoại biên do hóa trị liệu được cho là thường xảy ra trên “thần kinh cảm giác” và “thần kinh vận động” gọi là CIPN.

Các triệu chứng thường gặp như:

- Cảm giác như đang đi trên đá cuội.

- Đi lại khó khăn, dễ bị tuột dép.

- Cảm giác như đi trên một tấm thảm (Cảm giác bàn chân không chạm đất)

- Cảm giác như ngồi khoanh chân và gập đầu gối trong một thời gian dài.

- Tay và chân như không có cảm giác gì.

- Khó cài nút quần áo

- Khó cầm dao

- Khó khăn khi dùng điều khiển từ xa.

- Khó cầm nắm như cầm ly, cầm bát ăn cơm …

- Khó mở lon hoặc nắp chai.

- Trẹo và bong gân cổ chân khi chân chạm đất.

- Rất khó để có thể đứng lên khỏi cầu thang.

- Rất khó để leo cầu thang.

- Bị vấp ngã khi đi bộ.

Cách khắc phục và phòng tránh thương tích tê tay chân do hóa trị ảnh 1

Cách khắc phục và phòng tránh thương tích tê tay chân do hóa trị

Cách xử lý khi bị CIPN

Bạn có thể gặp các triệu chứng này bất cứ lúc nào, từ vài tuần đến vài tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc. Vì nó cũng khác nhau tùy thuộc từng loại thuốc. Vì vậy hãy nói với bác sỹ điều trị về thời điểm bạn bạn bắt đầu gặp các triệu chứng trên với loại thuốc bạn đang dùng. Các triệu chứng tê/ đau có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm đối với trường hợp nhẹ và trong thời gian dài hơn đối với trường hợp nặng.

Tuy nhiên nếu được chăm sóc đúng cách ở giai đoạn đầu việc điều trị ung thư có thể được tiếp tục ngay cả khi đã ngừng hoặc giảm liều thuốc. Làm ấm, tập thể dục hoặc xoa bóp khu vực bị ảnh hưởng có thể cải thiện lưu thông máu, giảm tê và đau. Hãy tìm một cách phù hợp với bạn.

Nếu sử dụng thuốc giảm đau, bạn cần sử dụng đúng cách mà bác sỹ đã kê toa. Hầu hết các các loại thuốc giảm đau sẽ hiệu quả nhất nếu sử dụng trước khi cơn đau trở nặng.

Tránh những điều có thể khiến CIPN tệ hơn, như môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc đi giày, mặc quần áo quá bó.

Hãy cho mình thêm thời gian để thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân để hoàn thành những công việc mà bạn thấy khó khăn khi thực hiện.

Không uống rượu. Rượu có thể gây tổn thương thần kinh và làm CIPN trở nên nặng hơn.

Nếu người bệnh bị tiểu đường, hãy kiểm soát tốt đường huyết. Đường huyết cao có thể gây tổn thương thần kinh.

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ xem việc thể dục thể thao có an toàn không. Bác sỹ vật lý trị liệu có thể đưa ra lời khuyên hữu ích nhất về vấn đề này.

Nếu bị táo bón, hãy làm theo hướng dẫn của bác sỹ về thuốc nhuận tràng và các bài tập. Uống nhiều nước và ăn hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để có đủ chất xơ.

Nếu bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra ở chân, hãy ngồi càng nhiều càng tốt, thậm chí ngay cả khi đánh răng hoặc nấu ăn.

Nếu bệnh thần kinh ngoại biên là vĩnh viễn bác sỹ ung thư có thể giới thiệu người bệnh tới điều trị hoạt động trị liệu. Chuyên gia hoạt động trị liệu sẽ giúp bạn có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày ngay cả khi họ có giới hạn về thể chất.

Nên làm gì để phòng tránh thương tích

Khi bị cảm giác bị ảnh hưởng bởi CIPN, người bệnh có thể dễ bị thương tích hơn do các tai nạn trong sinh hoạt. Dưới đây là một vài ý kiến nhỏ có thể giúp bạn phòng tránh.

Nếu bị CIPN ở bàn tay hãy cẩn thận khi dùng dao, kéo, đò mở hộp, và các đồ dùng sắc nhọn khác. Chỉ sử dụng chúng khi bạn có đủ khả năng tập trung vào công việc.

Bảo vệ bàn tay bằng cách mang găng tay khi dọn dẹp, làm công việc ngoài trời và sửa chữa.

Chăm sóc bàn chân, hãy kiểm tra chân mỗi ngày xem có các vết thương hoặc vết loét hở không.

Luôn đi giày để bảo vệ toàn bộ bàn chân khi đi bộ, thậm chí cả khi ở trong nhà. Hỏi bác sỹ về những loại giầy hoặc miếng lót có thể bảo vệ bàn chân.

Nếu bạn bị mất thăng bằng, dễ té ngã khi di chuyển, bạn cần đảm bảo rằng bên mình luôn có phương tiện hỗ trợ để phòng tránh té ngã. Tay vịn ở hành lang và trong phòng tắm có thể giúp giữ thăng bằng. Khung tập đi hoặc nạng có thể hỗ trợ khi đi lại.

Sử dụng đèn pin hoặc đèn ngủ khi thức dậy vào ban đêm.

Bảo vệ bản thân khỏi các tổn thương do nhiệt. Đặt nhiệt độ nước nóng của bình nóng lạnh trong khoảng từ 40,5 đến 49 độ C để giảm nguy cơ bị bỏng khi rửa tay. Sử dụng găng làm bếp hoặc miếng lót nồi khi bê đĩa, vỉ nướng hoặc chảo nóng. Kiểm tra nhiệt độ nước trong bồn tắm bằng nhiệt ké.

Giữ cho bàn tay và bàn chân ấm áp và kín đáo khi thời tiết lạnh. Tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

BS Kim Phượng Nguyễn (Khoa Hóa trị, Bệnh viện TWQĐ 108)

Kim Phượng Nguyễn