U bàng quang là loại u thường gặp trong các loại u ở đường tiết niệu. Theo thống kê, ung thư bàng quang là bệnh lý đứng thứ hai sau ung thư tiền liệt tuyến thuộc hệ tiết niệu sinh dục và thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng.
Có nhiều phương pháp để chẩn đoán u bàng quang nhưng siêu âm được cho là phương pháp đầu tiên được áp dụng vì có thể dễ dàng nhìn được hình ảnh khối u, hơn nữa đây lại là một phương pháp không xâm lấn, rẻ tiền, dễ áp dụng hơn so với các kĩ thuật khác.
Khi nào nên siêu âm phát hiện khối u bàng quang
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng thường không rõ ràng, bệnh nhân không cảm nhận được và dễ dàng bỏ qua. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo nên đi siêu âm kiểm tra định kì để phát hiện sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Khối u bàng quang có hai loại là u lành và u ác. U ác phát triển từ các tế bào biểu mô của bàng quang, giai đoạn muộn phát triển xâm lấn vào thành bàng quang, xuất hiện hạch xung quanh và xâm lấn sang các tạng bên cạnh, gây nên các triệu chứng như:
Đái máu: là triệu chứng hay gặp nhất của ung thư bàng quang (85-90%), tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm: tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau. Màu sắc nước tiểu có thể màu hồng, hoặc nhìn rõ ràng là máu.
Tuy nhiên, trong trường hợp tiểu ra máu vi thể, gần như không thể nhìn thấy máu bằng mắt thường vì lượng máu rất ít. Mà chỉ có thể phát hiện trong xét nghiệm phân tích nước tiểu.
Tiểu buốt, tiểu rắt, mót tiểu: do u chèn ép đường đi của nước tiểu từ bàng quang xuống niệu đạo, hoặc gây kích thích bàng quang làm bệnh nhân có cảm giác buồn đi tiểu dù không có nhiều nước tiểu.
Ở giai đoạn muộn, khi ung thư di căn xâm lấn các cơ quan lân cận, bệnh nhân có thể: đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
Cách đơn giản phát hiện sớm khối u bàng quang - Ảnh BVCC |
Ưu điểm của siêu âm bàng quang
Siêu âm là kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn nên an toàn, không gây biến chứng cho bệnh nhân.
Là một phương pháp nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả khi phát hiện các tổn thương ở bàng quang.
Có thể áp dụng được với nhiều đối tượng bệnh nhân, nhất là trẻ con, người già hay những bệnh nhân bị loạn thần vì quá trình siêu âm đơn giản, không gây đau.
Tuy nhiên để chẩn đoán xác định ung thư bàng quang, bệnh nhân cần làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như chụp CT hoặc MRI, chụp UIV, chụp xạ hình xương, chụp PET-CT, nội soi bàng quang…
Trong đó, nội soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán quyết định u bàng quang là lành hay ác tính, tuy nhiên đây là phương pháp xâm lấn có thể gặp những biến chứng như : đau, xước niệu đạo hay nhiễm trùng tiết niệu.
Chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ (MRI) là các kĩ thuật tốn kém hơn nhiều so với siêu âm, cho hình ảnh rõ hơn về mức độ xâm lấn các tạng xung quanh và sự xuất hiện các hạch di căn.
Cần chuẩn bị gì khi siêu âm bàng quang?
Bệnh nhân trước khi siêu âm không cần phải nhịn ăn, chỉ cần uống một vài cốc nước trước khi siêu âm (khoảng 2 tiếng) để bàng quang đầy. Cần thiết có nước tiểu trong bàng quang là do nước trong bàng quang tạo môi trường truyền âm cho các tia sóng siêu âm đi qua. Từ đó, giúp đánh giá chính xác các cấu trúc vùng tiểu khung như bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung phần phụ.
Ngay sau khi siêu âm, bệnh nhân có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Dựa trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện được hình ảnh khối u, số lượng và đo kích thước của khối đó, đánh giá tình trạng của khối u như cấu trúc có đồng đều hay không, bề mặt khối u nhẵn hay gồ ghề, khả năng tưới máu, có xâm lấn vào thành bàng quang hay các tạng xung quanh nếu khối u ác tính.
BS Ngô Kiều Trang, (Khoa Siêu âm chẩn đoán, Bệnh viện TWQĐ 108)