Dữ liệu y khoa

Cách để trẻ mầm mon tránh nhiễm bệnh khi quay lại trường

  • Tác giả : BS Ninh Mai (Khoa Nội Nhi Tổng hợp - Bệnh viện E)
Những ngày gần đây, khi trẻ mầm non và tiểu học quay lại trường học, cùng với sự thay đổi thất thường của thời tiết, số trẻ tới khám tại Khoa Nội Nhi gia tăng một cách nhanh chóng, và chiếm đa số trong đó là các bé mắc bệnh lý đường hô hấp.

Trong môi trường học đường, trẻ em khi đến lớp tiếp xúc với môi trường đông người sẽ có khả năng nhiễm bệnh chéo, tốc độ lây truyền bệnh cũng sẽ rất nhanh, nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh lại càng cao hơn, nhất là với các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thuỷ đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy...

Việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên do căn nguyên Virus chủ yếu là điều trị triệu chứng mà chưa điều trị được căn nguyên. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể đúng cách, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống tốt…

tranh-nhiem-benh.jpg
Cách để trẻ mầm mon tránh nhiễm bệnh khi quay lại trường

Tiêm vắc xin phòng bệnh: Đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).

Hạn chế nguồn lây bệnh:Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm... Hạn chế nguồn lây bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Vệ sinh cá nhân: Các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân cho trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

Chế độ dinh dưỡng: Cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bữa ăn của trẻ nên đa dạng, cân bằng giữa 04 nhóm chất gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước...

Giữ ấm cơ thể đúng cách: Cơ thể luôn được giữ ấm, đặc biệt là các vị trí như: cổ, ngực, bụng, bàn tay, gan bàn chân; đeo khẩu trang khi ra ngoài, ngủ trong phòng kín gió, ấm áp, tắm bằng nước ấm; không cho trẻ nằm lâu trước quạt và máy lạnh.

Khi có các biểu hiện của bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn chăm sóc và điều trị đúng đắn, tránh những biến chứng xấu xảy ra

BS Ninh Mai (Khoa Nội Nhi Tổng hợp - Bệnh viện E)