Chữa bệnh không dùng thuốc

Cách chế trà hoa cúc chữa đau đầu

  • Tác giả : NHật Hà
(khoahocdoisong.vn) - Theo Đông y, hoa cúc có tính mát, vị hơi đắng, đi vào kinh phế, kinh can, có tác dụng trị đau đầu, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ….

Nhiều thể đau đầu

Đau đầu là một chứng trạng thường gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ thần kinh trung ương. Trong y học cổ truyền, đau đầu được gọi là “đầu thống” gây nên bởi ngoại cảm hoặc nội thương tạp bệnh và được phân ra thành nhiều thể bệnh như:

Thể Phong hàn: Đầu căng đau, phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, chảy nước mũi, không khát, tiểu tiện trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

Thể Phong nhiệt: Đầu và mắt đau chướng, phát sốt, sợ gió, miệng khát họng đau, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Thể Phong thấp: Đầu đau nặng như đeo đá, chân tay mỏi nặng, ngực bụng đầy trướng, tiểu tiện bất lợi, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu.

Thể Can dương thượng cang: Thường đau nửa đầu, đau chướng giật, dễ cáu giận, giấc ngủ bất an, chóng mặt, đau hai bên sườn, mặt đỏ, miệng đắng, mạch huyền hữu lực.

Thể Đàm trọc: Đầu đau nặng, có cảm giác u ám, chóng mặt, ngực bụng đầy trướng, buồn nôn hoặc nôn ra đờm rãi, rêu lưỡi trắng dính, mạch huyền hoạt.

Thể Khí hư: Đầu đau âm ỉ, tăng lên khi suy nghĩ nhiều, thường vào buổi sáng, toàn thân mệt mỏi như mất sức, ăn kém, có cảm giác khó thở, sợ lạnh, chất lưỡi nhợt, mạch tế vô lực.

Thể Huyết hư: Đầu đau triền miên, môi mặt nhợt nhạt, hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh, mắt mờ, tức ngực trái, chất lưỡi nhợt, mạch hư sáp.

Thể Thận hư: Đầu đau có cảm giác như trống rỗng, có tiếng ve kêu trong não, hoa mắt chóng mặt, tai ù, tai điếc, đầu gối yếu mỏi, lưng đau, di tinh, liệt dương ở nam, khí hư nhiều ở nữ, chất lưỡi hồng hoặc nhợt, mạch tế vi vô lực.

Cúc hoa giải khát, an thần và trị bệnh

Điều trị đau đầu phải trên nguyên tắc toàn diện và biện chứng, trong đó có một liệu pháp rất độc đáo là lựa chọn các loại hoa cúc đơn thuần hoặc phối hợp với các vị thuốc làm phương thang để trị liệu.

Các thành phần hoạt chất trong tinh dầu hoa cúc là Bisabolol được coi là có tác dụng chống kích ứng, chống viêm và chống vi khuẩn. Dùng hoa cúc đơn độc hoặc phối hợp với một số loại thảo dược khác sẽ tạo ra một loại trà uống độc đáo vừa giải khát, an thần lại có tác dụng trị bệnh đau đầu rất tốt.

Trà cúc hoa+ lá dâu: Cúc hoa dại (dã cúc hoa) 10g, lá dâu 10g, đạm đậu xị 15g, ba vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: sơ phong tán nhiệt, thanh can giải độc, dùng tốt cho đau đầu thể Phong nhiệt.

Trà cúc hoa + kỷ tử: Cúc hoa 10g, thục địa 15g, kỷ tử 15g, ba vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ thận dưỡng can, bổ huyết tán phong . Dùng thích hợp cho đau đầu thể Can dương thượng cang.

Trà cúc: Cúc hoa 10g, long tỉnh trà (có thể dùng trà khô) 3g, hãm uống thay trà trong ngày. Công dụng: sơ tán phong nhiệt, thanh can minh mục, dùng tốt cho đau đầu thể Can dương thượng cang.

Cúc hoa + hạnh nhân: Hạnh nhân 6g, cúc hoa 6g. Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn giã nát rồi đêm hãm với nước sôi cùng cúc hoa trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: khứ phong thanh nhiệt, dùng cho đau đầu thể Phong nhiệt.

Cúc hoa + vừng đen: Cúc hoa 30g, lá dâu phơi sương 30g, vừng đen 30g, các vị tán vụn, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày. Công dụng: khứ phong thanh nhiệt, bồi bổ can thận, dùng cho đau đầu thể Phong nhiệt và Can dương thượng cang.

Cúc hoa + bạch chỉ: Cúc hoa 9g, bạch chỉ 9g, hãm với nước sôi, uống thay trà trong ngày. Công dụng: khứ phong thắng thấp, chỉ thống, dùng thích hợp cho đau đầu thể Phong thấp.

Kim ngân + cúc hoa, sơn tra: Kim ngân hoa 20g, cúc hoa 20g, sơn tra 15g, lá dâu 15g, các vị tán vụn, hãm với nước sôi, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bình can tiềm dương, lý khí chỉ thống, hạ áp, dùng cho đau đầu thể can dương thượng cang dẫn đến cao huyết áp, rối loạn tiền đình.

Bạch cúc + hoa nhài: Bạch cúc 9g, hoa nhài 3g, rau má 10g, cúc bách nhật 5g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày. Hoặc hoa nhài và hoa cúc mỗi vị 6g, hãm uống thay trà trong ngày.

ThS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền Bệnh viện TƯQĐ 108)

NHật Hà