Các vị trí ung thư đường mật
Đường mật (Ống mật) là những ống mỏng nối gan và túi mật đến ruột non. Chúng vận chuyển một chất lỏng được gọi là dịch mật. Dịch mật được tạo ra ở trong gan và túi mật, qua tuyến tụy đến ruột, giúp tiêu hóa thức ăn.
Ung thư đường mật là một loại ung thư không phổ biến vì vậy thường không được mọi người chú ý. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm bởi sự ác tính và tiến triển nhanh của bệnh có thể dẫn đến tử vong nhanh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời
Có ba vị trí chung mà loại ung thư này có thể phát sinh trong hệ thống dẫn lưu mật:
• Ung thư đường mật trong gan xuất phát từ các ống mật nhỏ nằm trong gan.
• Ung thư đường mật vùng rốn gan xảy ra ở các ống mật rời khỏi gan.
• Ung thư đường mật đoạn xa xảy ra ở gần nơi ống mật đổ vào ruột non.
Biểu hiện của đường mật - ảnh BSCC |
Một số hướng dẫn chăm sóc dẫn lưu đường mật
Chăm sóc cho bệnh nhân sử dụng ống dẫn lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của quá trình điều trị sau khi đặt dẫn lưu. Có một số nguyên tắc cơ bản cần phải tuân thủ khi chăm sóc dẫn lưu như sau:
• Tuyệt đối đảm bảo vô trùng cho toàn bộ hệ thống dẫn lưu: Hạn chế rủi ro nhiễm trùng bằng cách giữ vô trùng cho toàn bộ hệ thống dẫn lưu.
• Đặt túi hoặc bình ống dẫn lưu ở vị trí thấp hơn: Đảm bảo rằng túi hoặc bình đựng dịch ống dẫn lưu luôn đặt ở vị trí thấp hơn vùng được dẫn lưu khoảng 50 - 60 cm.
• Tránh gập làm tắc nghẽn ống dẫn lưu: Giữ ống dẫn lưu không bị gập hoặc làm tắc nghẽn để duy trì sự thông thoáng.
• Tư thế thoải mái cho bệnh nhân : Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái giúp dẫn lưu dịch tốt, không nằm đè lên hoặc làm căng ống dẫn lưu, nhất là trong khi ngủ.
Dẫn lưu đường mật qua da - Ảnh BSCC |
• Theo dõi tính chất và số lượng dịch ống dẫn lưu: thường xuyên kiểm tra tính chất và lượng dịch vào ra từ ống dẫn lưu để phát hiện sớm tình trạng mất nước và vấn đề khác.
• Theo dõi lượng dịch vào và dịch ra: phát hiện sớm các tình trạng mất nước nếu có. Các dấu hiệu gợi ý tình trạng mất nước như khô môi, khô niêm mạc miệng, tăng cảm giác khát nước, mắt trũng sâu, ...
• Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh: Hỗ trợ bệnh nhân duy trì cân bằng dịch bằng cách khuyến khích họ uống nhiều nước để bù lại lượng dịch đã mất, ăn chế độ nhiều đạm, vitamin C và kẽm.
• Khuyến khích vận động thường xuyên: Hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các động tác vận động nhẹ nhàng để duy trì dòng chảy của chất lỏng ống dẫn lưu.
• Bảo đảm vết thương khô ráo, sạch sẽ: Vết thương có ống dẫn lưu phải luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, lau rửa và thay băng thường xuyên, khi tắm rửa hay vệ sinh cá nhân, tránh để các chất tẩy rửa tiếp xúc trực tiếp với ống dẫn lưu.
• Đảm bảo vệ sinh: Dịch từ túi dẫn lưu cần được tháo và thay mỗi ngày.
• Phát hiện sớm các biến chứng theo dõi và phát hiện sớm để kịp thời điều trị, bao gồm: tắc ống, nhiễm trùng chân ống, nhiễm trùng ngược dòng vào các khoang cơ thể, bục xì miệng nối trở lại sau khi rút ống dẫn lưu, ....
Điều dưỡng Vũ Thị Dung, (Khoa Hóa trị liệu A6B, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108