Dinh dưỡng

Cách ăn cho người tiểu đường kết hợp suy thận chưa lọc máu tránh biến chứng

  • Tác giả : Thúy Nga
Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Kiểm soát bệnh thận tiến triển trên bệnh nhân đái tháo đường đòi hỏi phải tiếp cận tích cực từ nhiều mặt, bao gồm thuốc, chế độ dinh dưỡng và lối sống sinh hoạt.

Các bác sĩ Dinh dưỡng, bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết, chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý góp phần làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận, ổn định đường máu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường. Cần cá thể hóa nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, gợi ý như sau:

Cung cấp đủ năng lượng: 30-35 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.

Chất đường bột: 60-65% tổng năng lượng. Chất bột đường có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và đều làm tăng đường huyết nhưng ở những mức độ khác nhau. Nên sử dụng những thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết thấp như: gạo giã rối, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mỳ đen,…

Chất đạm: Chất đạm (protein) bao gồm protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa…) và protein có nguồn gốc thực vật (các loại họ đậu, đỗ, lạc, vừng,…). Người bệnh đái tháo đường suy thận chưa lọc máu cần giảm lượng đạm còn 0,6-0,8 g/kg cân nặng/ngày (tùy mức độ suy thận).

Mẫu bữa ăn một ngày của người bệnh đái tháo đường kết hợp suy thận chưa lọc máu - Ảnh minh họa

Mẫu bữa ăn một ngày của người bệnh đái tháo đường kết hợp suy thận chưa lọc máu - Ảnh minh họa

Chất béo: 20-30% tổng năng lượng. Chất béo (lipid) bao gồm axit béo bão hòa, axit béo không no một hoặc nhiều nối đôi và cholesterol. Mỗi thành phần chất béo có tác động khác nhau đối với sức khỏe, đặc biệt hệ tim mạch.

Các a xít béo bão hòa không tốt cho sức khỏe, do vậy các thực phẩm chứa nhiều axit béo không bão hòa cần hạn chế: thịt mỡ, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn: giò, chả, bơ, pho mát…

Cholesterol là thành phần làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch do vậy cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol là phủ tạng động vật (óc, lòng, tim…)

Nên sử dụng các a xít béo không no tốt cho sức khỏe như dầu thực vật, mỡ cá, các hạt chứa dầu (lạc, vừng, mè, hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều…).

Tăng cường chất xơ: 20 – 30 g/ngày. Nên chọn các loại rau có hàm lượng protein thấp dưa chuột, bầu, bí, rau họ cải…

Nước (hạn chế khi có chỉ định): Lượng nước uống vào = lượng nước tiểu 24h + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, tiêu chảy… + 300 đến 500ml (tùy theo mùa).

Khi có chỉ định hạn chế muối: nên lựa chọn các thực phẩm có lượng natri thấp, tính toán lượng muối, gia vị chứa natri khi chế biến món ăn. Hạn chế các thực phẩm có lượng natri cao như các thực phẩm muối (dưa, cà, thịt muối…), đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn.

Để có thể xây dựng được kế hoạch chế độ ăn phù hợp, người bệnh nên được tư vấn bởi chuyên viên dinh dưỡng

Thúy Nga