Môi trường

Cà Mau đang đối mặt với lượng rác thải y tế từ 1,5 - 2 tấn/ngày

  • Tác giả : An Quý
Kiểm tra thực tế, đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn chục tấn rác thải y tế tồn đọng và bắt đầu bốc mùi tại khu tập kết Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

Ngoài xử lý nguồn thải từ các đơn vị chức năng và khu điều trị Covid-19 của bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau còn được giao hỗ trợ xử lý rác y tế từ các bệnh viện dã chiến (số 2, 3, 5) và các cơ sở y tế, phòng khám tư… trên địa bàn.

rac-thai-y-te.jpg
Hơn chục tấn rác thải y tế tồn đọng và bắt đầu bốc mùi tại khu tập kết chờ xử lý của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Nguồn internet

Bình quân Bệnh viện Đa khoa Cà Mau phải xử lý từ 1,5-1,9 tấn rác y tế/ngày.

Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, tuyến cuối của tỉnh, được trang bị hai lò đốt rác y tế có khả năng xử lý từ 600 - 800kg rác/ngày.

Theo BS Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, dù đã nỗ lực “chạy” đến 12 giờ/ngày (tăng thêm 4 giờ) và nhờ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau hỗ trợ đốt tiếp 300kg rác/ngày.

Nhưng hiện tại, năng lực xử lý rác thải y tế khoảng 1,2 tấn rác/ngày, tức còn tồn từ 300-700kg rác y tế. Qua hơn một tháng, rác tồn đọng lên đến hơn chục tấn như hiện nay.

Trước mắt, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tiếp tục duy trì công suất các lò đốt liên tục 14 giờ/ngày, để giảm lượng rác thải y tế tồn đọng trong ngày.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Cà Mau kiến nghị đầu tư xây dựng khẩn cấp 1 lò đốt rác có công suất 100 kg/giờ.

Khi có thêm lò đốt rác này, khả năng xử lý rác tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau sẽ tăng lên gần 2 tấn/ngày.

BS Đức hy vọng nếu số ca mắc Covid-19 không phát sinh nhiều, trong vòng 15 ngày nữa, bệnh viện sẽ xử lý triệt để lượng rác y tế tồn đọng.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, lượng rác y tế không tồn đọng như vậy. Khi xảy ra dịch, khối lượng rác thải y tế tăng cao nhiều lần, lại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong khi các bệnh viện gặp khó khăn trong việc xử lý nguồn chất thải độc hại này.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp, khối lượng chất thải lây nhiễm chắc chắn sẽ phát sinh nhưng rất khó dự đoán do phụ thuộc vào số lượng người bệnh.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Cà Mau đã huy động thêm 7 bệnh viện dã chiến và nâng cao công suất điều trị F0 tại các cơ sở y tế.

Tổng công suất tiếp nhận, điều trị F0 ở Cà Mau được nâng lên hơn 3.100 giường bệnh (khoảng 1.800 giường tại các bệnh viện dã chiến).

Cà Mau hiện có khoảng 3.474 bệnh nhân Covid-19, trong đó 856 ca F0 được cách ly, điều trị tại nhà. 

rac-thai-y-te-ca-mau.png
Rác thải ở bệnh viện dã chiến Cà Mau đang bị tồn đọng chưa được xử lý. Ảnh minh họa

Trước trực trạng trên, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng sớm nhất hai công trình xây dựng lò đốt rác mới đặt tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau và tại Bệnh viện Đa khoa Ngọc Hiển.

Bên cạnh đó, các lò đốt rác bị xuống cấp tại các bệnh viện tuyến huyện cũng phải được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, nhằm giảm tải cho khu vực xử lý rác y tế trên địa bàn TP Cà Mau.

Cùng với đó, các cơ sở y tế phải phối hợp với đơn vị xử lý môi trường thu gom, vận chuyển và xử lý số rác tồn đọng, bảo đảm vệ sinh hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

An Quý