Nắng nóng là “xúc tác” làm cá chết
Trong 2 ngày 8 và 9/7, hàng chục tấn cá chết bất thường tại Hồ Tây đã được vớt lên vận chuyển đến các bãi xử lý. Trong khi đó, lượng cá chết dưới lòng hồ vẫn còn khá nhiều. Ngay sau đó, Sở TN&MT Hà Nội đã vào cuộc tiến hành đo lượng oxy dưới mặt hồ. Trước mắt xác định lượng oxy ở vùng xa bờ và giữa hồ vẫn đảm bảo. Trong khi đó, ở gần bờ, lượng oxy rất thấp, chỉ khoảng 0,9mg.
GS.TS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, đây chính là “mùa cao điểm” của cá chết. Cũng khoảng thời gian này năm ngoái, hiện tượng cá chết trắng Hồ Tây cũng đã xảy ra. Ông cùng các đồng nghiệp có đến tận nơi thực địa thì thấy rằng, nguyên nhân chính làm cá chết là do tảo xanh lam phát triển quá mạnh. Tảo này khi hô hấp sẽ nhả ra khí Cacbonnic và hút khí oxy, làm cho hàm lượng oxy trong nước xuống quá thấp, độ PH tăng dẫn đến cá chết. Thời tiết nắng nóng kéo dài là yếu tố quyết định làm cho tảo xanh lam phát triển mạnh với cấp số nhân.
“Thời điểm cá chết thường là vào khoảng 3-4h sáng. Đây là lúc tảo hô hấp mạnh nhất. Tảo phát triển được một phần do thời tiết, một phần do được cung cấp dinh dưỡng dồi dào là chất hữu cơ từ nguồn nước thải. Các yếu tố này cộng lại làm cho tảo phát triển mạnh chứ không riêng tảo”, GS.TS Dương Đức Tiến cho biết.
TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cũng chung nhận định. Nắng nhiều, nhiệt độ cao thì sẽ làm oxy hòa tan giảm, tảo phát triển. Ban ngày, có ánh sáng, tảo nhả oxy, nhưng ban đêm thì chúng lại hút oxy. Khi đó, độ PH tăng, hàm lượng amoni sẽ chuyển hóa thành ammoniac làm cho cá chết. Thời tiết khắc nhiệt là yếu tố “khơi mào” cho một chuỗi những yếu tố khác khiến cá chết nhiều đến mức đó. Nếu môi trường nước ổn định, khỏe mạnh thì những tác động này sẽ không làm thay đổi được hệ sinh thái hồ. Nhưng đây là môi trường bấp bênh, chỉ cần một yếu tố đủ mạnh là có thể kéo theo các yếu tố khác.
TS Trần Hồng Côn cũng loại bỏ khả năng cá chết do nhiễm độc. Nếu nhiễm độc, cá sẽ không chết hàng loạt nhiều như vậy. Và nếu do nhiễm độc thì sẽ có nhiều loài cá chết chứ không riêng gì các loài cá nhỏ như cá mương và thầu dầu.
Diệt tảo bằng phương pháp sinh học
Theo TS Trần Hồng Côn, cá chết phần lớn là cá nhỏ, dài như cá mương và thầu dầu, có tập tính ăn ven bờ và nước mặt. Muốn xác định chính xác nguyên nhân thì nên khoanh vùng tập quán của các loài cá này để loại trừ dần. Việc đo nồng độ oxy khi cá đã chết ít có tác dụng. Oxy ở những nơi cá chết đương nhiên rất thấp do vi sinh vật phân hủy cá lấy hết oxy. Còn đo oxy ngoài xa thì có thể chính xác hơn, nhưng phải đo vào thời điểm tảo phát triển mạnh nhất thì mới chính xác.
GS.TS Dương Đức Tiến cho biết, việc diệt sạch tảo không phải là khó khăn. Năm ngoái khi cá chết nhiều, được biết Hà Nội cũng đã dùng hóa chất để diệt tảo. Nhưng không hiểu vì sao năm nay vẫn tái diễn tình trạng này, chứng tỏ việc diệt tảo là chưa có nhiều tác dụng. Thay vì sử dụng các loại hóa chất thì biện pháp sinh học vẫn là yếu tố quan trọng nên làm, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ và đảm bảo phát triển môi trường bền vững.
Theo các chuyên gia, để không tái diễn hiện tượng cá chết thì phải tạo ra môi trường sinh thái ổn định chứ không bấp bênh như hiện nay. Một số giải pháp sinh học như thổi khí hay trồng cây thủy sinh lọc nước, kiểm soát nguồn nước thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa xuống hồ…
Đây là các biện pháp được sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Nếu nguồn nước ít chất dinh dưỡng do nước thải đã được xử lý thì dù thời tiết có biến động thế nào cũng khó có thể gây ra tình trạng cá chết nhiều như thế được.
Theo GS.TS Dương Đức Tiến, nếu không có giải pháp diệt tảo tận gốc thì tình trạng cá chết Hồ Tây sẽ còn kéo dài.
Bảo Khánh