Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, cá bống giàu protein, ít chất béo, chứa vitamin B2, D, E, PP và chất khoáng Ca, P, Fe, S, Fe, P, Ca, là thực phẩm rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, chân tay yếu mỏi, ho suyễn, tiêu hóa kém. Trong cá bống có chứa lượng collagen rất phong phú nên có tác dụng tăng cường sức khỏe, làm đẹp da.
Cá bống có nhiều loại như bống trắng, bống đen, bống mú. Theo sách Tuệ Tĩnh, cá bống vị ngọt mặn, tính bình không độc, tác dụng khoan trung, tiêu thức ăn, ấm tỳ vị, ăn nhiều ngày rất tốt. Cá bống tốt cho người bị chứng tỳ hư bụng đầy, đàm thấp ho thở, đau tức ngực sườn, nhức mỏi, người bị hư nhược liên quan tỳ phế hư đàm thấp trệ, trẻ biếng ăn dùng đều tốt.
Cháo cá bống là món ăn sáng dễ ăn, dễ tiêu, bổ dưỡng, cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ học tập. Cách làm rất đơn giản. Lấy 1 con cá bống lớn, 1/2 củ cà rốt, gạo. Vo gạo cho sạch, cho vào nồi, nấu cháo cho nhừ. Cá bống rửa sạch, hấp sơ qua, gỡ bỏ xương. Cho 1 chút dầu oliu vào chảo, thêm 1 vài củ hành đập dập, dầu thơm thì cho cá vào đảo đều. Cà rốt rửa sạch, luộc chín, cắt nhỏ cho vào ninh cháo. Cho cá đã sao thơm vào trộn với cháo đã chín, đun sôi bắc ra để còn ấm cho trẻ ăn trước khi đến trường.
Cá bống nên được sử dụng trong các bữa ăn chính cho trẻ. Nếu trẻ thích ăn canh, có thể lấy cá bống, rau hẹ, thịt heo, gia vị vừa đủ. Cách làm: Thịt, cá băm nhỏ, tẩm gia vị, trộn đều, viên nấu canh rau hẹ. Món ăn này rất thích hợp với trẻ mắc chứng chân tay lạnh. Với trẻ hay đầy bụng, chậm tiêu nên nấu canh cá bống lá lốt: Cá bống, lá lốt, hành, gừng gia vị vừa đủ nấu ăn. Món ăn này cũng tốt với trẻ bụng yếu, hay tiêu chảy. Trẻ thừa cân nên khuyến khích trẻ ăn món cá bống kho củ cải. Lấy cá bống, củ cải, hành, gừng, tiêu, đường, gia vị vừa đủ kho ăn. Có thể ăn nhiều lần trong tuần. Trẻ ăn kém dùng món cá bống om mộc nhĩ. Lấy cá bống tượng, mộc nhĩ, gừng, dầu ăn, hành củ, đường, tiêu, gia vị mắm muối vừa đủ om ăn.
Dược sĩ Nguyễn Văn Hào (Vũng Tàu)