Dọc đường

Bóng giếng Hà Nội – Kỳ 6: Giếng Champa ở Đan Phượng

Lọt thỏm trong ngôi đình làng hoặc dưới những gốc cây già cỗi, giếng cổ do chính tay các nghệ nhân Champa xưa đục đẽo vẫn còn nguyên vẹn. Mà ở một xã nhỏ ấy, không phải chỉ một giếng quý, mà có đến ba cái khác nhau.

Ông Tạ Đằng Sáng, Trưởng ban văn hóa xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng bảo rằng, địa phương vốn được chia làm 4 thôn ở bốn hướng. Một thôn đã sáp nhập vào thị trấn. Ba thôn còn lại gồm Đại Phùng, Đông Khê và Đoài Khê. Ba thôn này, chia nhau mỗi thôn một giếng cổ.

Giếng Chăm Đại Phùng

Ông Bùi Vinh Thủy, thủ từ đình Đại Phùng dẫn chúng tôi ra chiếc giếng được coi là quý nhất của Đan Phượng. Giếng nằm gọn ghẽ ngay đầu hồi bên phải của đình. Ông Thủy bảo, ngôi đình này có niên đại đầu thế kỷ 18, và từ năm 1990 đình đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử.

Dỡ tấm phên bằng tôn che chắn cho giếng, ông Thủy chỉ tay xuống đáy bảo rằng, mực nước giếng này không bao giờ thay đổi, dù có múc cả ngày thì nước giếng vẫn cứ ở mực ấy.

Giếng đá ong cổ kính làng Đại Phùng.

Giếng Đại Phùng hơi khác lạ so với nhiều giếng cổ khác. Giếng này không làm phần chân đế mà được vạt thẳng xuống. Toàn bộ cổ giếng nằm lộ hoàn toàn trên mặt đất có bề cao 55cm và dày 13,5cm.

Giếng hình tròn, đường kính tính đến mép ngoài là 130cm, đường kính trong 83cm. Dưới cổ giếng có một phần xây gạch trát xi măng cao 70cm, đây là độ cao tôn cổ giếng lên năm 2010.

Dưới phần xi măng là những viên đá ong xây lòng giếng ban đầu chạy dài xuống đáy. Đặc biệt, ở giếng cổ này, ở mặt trong trên miệng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau để tránh việc nứt vỡ cổ giếng. Nước giếng vẫn rất trong và tốt, có thể dùng pha trà hoặc đồ xôi.

Ông Thủy lần giở những ghi chép xưa, mới rõ giếng ấy không phải do thợ địa phương hay người Bắc làm. Giếng được tạo tác do bàn tay khéo léo của những người thợ Champa. Thế nên, có người còn gọi đây là giếng Chăm.

Tuy nhiên, cũng có người thắc mắc là vùng Đan Phượng không có đá ong, nhưng giếng Đại Phùng lại là đá ong già tuổi. Bí mật đó nhanh chóng được giải thích bởi TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học VN, rằng: Người xưa đã vận chuyển đá ong từ Thạch Thất theo đường thủy sông Đáy về để làm giếng.

Giếng Đông Khê

Cách giếng Đại Phùng không xa là giếng cổ Đông Khê. Giếng nằm sát bên con đường làng và được bao bọc bởi hàng rào sắt hình bát giác. Giếng làm bằng đá xanh nguyên khối được khoét đục khá cầu kì theo kiểu chậu úp.

Cổ giếng cao khoảng gần 80cm, riêng thành giếng cao 40cm, phần lộ trên mặt đất 8cm. Sát chân cổ giếng có hai lượt đá xanh xây làm thềm giếng hình tròn. Dưới phần cổ giếng là những thanh đá có mặt cắt hình chữ nhật, được chế tác hơi cong để tạo hình tròn của giếng xếp so le nhau xuống đến đáy.

Giếng đá xanh làng Đông Khê.

Theo đo đạc và phân tích của TS Nguyễn Tiến Đông thì các thanh đá này dài ngắn không đều nhau nhưng có độ dày đồng nhất 18cm. Những thanh đá này tạo thành lòng giếng vững chắc và có tác dụng như một bộ lọc nước.

TS Đông cho rằng, bên trong phía trên miệng giếng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau, song song chạy dọc xuống, có mặt cắt hình chữ V. Đây là kĩ thuật làm cho cổ giếng bền vững không bị nứt vỡ trong điều kiện thời tiết thay đổi.

Tuy nhiên, người địa phương cho rằng, điều đó không chính xác. Những đường rãnh đó là vết hằn sâu của dây kéo gầu nước. Trải qua bao nhiêu đời, những dây gầu đưa lên kéo xuống khiến cho thành giếng bị bào mòn thành những vết rãnh.

Cụ Tạ Tất Liễu, người làng Đông Khê cho biết: Giếng này có từ rất lâu đời, tất nhiên không ai biết độ tuổi thật của nó. Cách đây hơn chục năm, cả làng vẫn dùng nước giếng này ăn uống sinh hoạt.

Đoài Khê cổ giếng

Từ giếng Đông Khê vòng qua phía Tây là giếng Đoài Khê. Giếng nằm cách cổng làng khoảng chục thước ta. Hai bên cổng, người ta gắn đôi câu đối: Đoài Khê hương sắc vạn thuở giữ tinh hoa/Giếng cổ mát trong ngàn năm lưu dấu tích.

Toàn bộ giếng cổ Đoài Khê được làm từ một khối đá ong liền mạch. Theo như TS Đông thì phần thềm giếng hình tròn, lát bằng loại gạch thẻ có độ cứng cao, đó là loại gạch thời Nguyễn ở đầu thế kỷ 20.

Giếng Đoài Khê vẫn được người dân dùng máy hút nước về nhà.

Loại gạch này còn được sử dụng ngay dưới phần cổ giếng,  một lượt gạch thẻ xếp lóng dọc, rồi lại lóng ngang hài hòa khít nhau. TS Đông cho rằng, hai lượt gạch thẻ này chính là kết quả của một đợt trùng tu, nâng cao cổ giếng, đồng thời lát thềm giếng xung quanh.

Cũng giống như hai giếng cổ quý của Đại Phùng và Đông Khê, giếng Đoài Khê cũng hằn rõ những vết rãnh do dây gầu kéo nước tạo ra. Miệng giếng đá ong trông giống như răng cưa rất đẹp và bóng.

Cụ Nguyễn Văn Hoàn, người xóm giếng bảo rằng, thời xưa nhiều cao nhân về làng lấy nước giếng pha trà. Đến thời thực dân Pháp đô hộ, lính Tây cũng thường từ bốt Phùng vào đây lấy nước.

Đúng như câu đối trên cổng làng, nước giếng Đoài Khê mát trong vô cùng. Chỉ hiềm một nỗi, những nền nếp cũ cùng tục uống trà đã phôi pha nên giếng chỉ còn làm dấu tích lập làng lập xóm.

Còn theo ông Bùi Vinh Thủy, thì 3 giếng cổ của Đan Phượng là tương đương tuổi nhau. Có thể khi chia làng lập xóm, người của ba làng đã xây cho mình một cái giếng để sử dụng chung. Tuy thần phả sắc phong hay sử làng không chép việc này, nhưng nhìn màu sắc, kết cấu có thể dễ dàng nhận thấy những lát cắt đặc trưng của một thời kỳ lịch sử.

Chúng tôi đã có những khảo sát về vùng đất này và thấy có nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Chăm, nhất là việc đào giếng lấy nước sạch. Người Chăm có trình độ làm giếng xếp gạch hoặc đá rất giỏi, có lẽ kiến thức của họ về việc tìm mạch cũng tốt nên bước đầu có thể khẳng định giếng ở Đan Phượng là do nghệ nhân người Chăm thực hiện”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học VN.

(còn nữa)

Trần Hòa