1. Chùa Phổ Minh. Nằm ở địa phận phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định, chùa Phổ Minh hay chùa Tháp là một trong những di tích quan trọng còn lại của một thời Hào khí Đông A.
Theo biên niên sử, ngôi chùa cổ này được xây năm 1262 ở phía Tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Nhưng theo văn bia, chùa đã có từ thời Lý và được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262. Tuy đã nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều công trình có từ thời Trần.
Kiến trúc thời nhà Trần quan trọng nhất còn được bảo tồn khá nguyên vẹn của chùa là tháp Phổ Minh, nằm trước tiền đường. Tháp cao khoảng 19 mét, gồm 14 tầng, đã được in hình trên tờ tiền mệnh giá 100 đồng phát hành năm 1991 của Việt Nam.
Những dấu tích kiến trúc khác của đời Trần gồm đôi sấu đá trên thành bậc tam quan, đôi rồng trên thành bậc gian giữa tiền đường…
2. Chùa Keo. Nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự) là một số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa.
Tương truyền, chùa do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng từ năm 1061, tại hương Giao Thủy (có tên Nôm là Keo), phủ Hà Thanh. Do trận lụt năm 1611, chùa dời về vị trí hiện tại và được gọi là chùa Keo Thượng hay chùa Keo Thái Bình để phân biệt với chùa Keo Hạ hay chùa Keo Hành Thiện.
Chùa được hoàn thành vào năm 1632, mang phong cách kiến trúc thời Lê do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu. Sau các lần trùng tu năm 1689, 1707, 1941… chùa vẫn giữ được những đường nét kiến trúc có từ khi mới khởi dựng.
Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, mà công trình đặc sắc nhất là tháp chuông. Tòa tháp này cao 11,04 mét, có 3 tầng mái, dựng hoàn toàn bằng gỗ, là một đại diện xuất sắc của kiến trúc truyền thống Việt Nam.
3. Chùa Bút Tháp. Nằm ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam. Chùa còn được biết đến với các tên gọi khác chùa Nhạn Tháp, Thiếu Lâm Tự, Hoàng Cung Tự.
Theo sách Địa chí Hà Bắc (xuất bản năm 1982), chùa Bút Tháp có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Đến năm 1647, chùa hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho xây lại. Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút Tháp hiện nay được giữ nguyên từ thời đó.
Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc khác, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Điểm nhấn kiến trúc của ngôi chùa là tháp Báo Nghiêm. Tòa tháp trông như một cây bút gồm 5 tầng với chiều cao 13.05 mét.
Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật, đáng chú ý là một hệ thống tượng tròn rất đặc sắc, trong đó có pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn hoàn thành năm 1656, được coi là một kiệt tác hàng đầu về nghệ thuật điêu khắc của người Việt xưa.
4. Chùa Dâu. Nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Theo các sử liệu, chùa được khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226, là trung tâm Phật giáo đầu tiên của người Việt.
Vào năm 1313 dưới triều vua Trần Anh Tông, chùa Dâu được Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi dày công tu bổ thành chùa 100 gian, tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp. Chùa tiếp tục được trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo.
Ngày nay, chùa Dâu mang kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” điển hình của các ngôi chùa cổ miền Bắc. Nét kiến trúc đặc sắc nhất của chùa Dâu là tòa tháp Hòa Phong nằm ở khoảng sân chùa sau tiền điện. Tháp xây bằng gạch nung già, vốn có 9 tầng nhưng nay chỉ còn ba tầng dưới.
Về tín ngưỡng, nét đặc biệt của chùa Dâu là tục thờ Tứ pháp, gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đây là một hệ thống thờ tự độc đáo mang đặc trưng của dòng thiền xứ Kinh Bắc cổ xưa.