Trong nước

Bố tử vong, con nhập viện cấp cứu sau khi ăn trứng cóc

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Theo các bác sĩ, độc tố của cóc là Bufotoxin, có nhiều trong da, trứng, gan cóc. Thịt cóc không độc nhưng nếu người làm không khéo độc tố từ nhựa cóc, trứng cóc có thể dính vào thịt gây ngộ độc.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy vụ ngộ độc trứng cóc khiến người bố tử vong, người con gái đang cấp cứu tại bệnh viện.

Bố tử vong, con nhập viện cấp cứu sau khi ăn trứng cóc. Ảnh minh họa

Bố tử vong, con nhập viện cấp cứu sau khi ăn trứng cóc. Ảnh minh họa

Trước đó, khoảng 18 giờ chiều 19/7, người thân phát hiện ông S.D. (36 tuổi, ngụ xóm 8, xã Diễn Lâm) và con gái có hiện tượng bất thường, cả hai bố con đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Người thân liền đưa hai bố con ông D. đi bệnh viện cấp cứu. Do diễn biến quá nặng, ông D. đã tử vong sau đó. Con gái ông D. sau khi được cấp cứu kịp thời đã qua cơn nguy kịch.

Theo thông tin từ gia đình, trước khi xảy ra sự việc, bữa cơm tối có ăn thịt cóc (khả năng có ăn cả trứng cóc).

Theo các bác sĩ, độc tố của cóc là Bufotoxin, có nhiều trong da, trứng, gan cóc. Thịt cóc không độc nhưng nếu người làm không khéo độc tố từ nhựa cóc, trứng cóc có thể dính vào thịt gây ngộ độc.

Độc tố này có thể gây ảo giác, ảo tưởng hay rối loạn nhân cách. Nếu ăn phải sẽ khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp,... có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Nếu may mắn cứu sống bệnh nhận vẫn chịu các di chứng nặng nề như ảnh hưởng trên thần kinh, suy thận,...

Các triệu chứng lâm sàng khi bị ngộ độc trứng cóc sẽ xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn. Biểu hiện trên hệ tiêu hóa gây đau bụng, ói, tiêu chảy. Trên tim mạch có mạch chậm, block nhĩ thất, trụy mạch, phần lớn tử vong là do block nhĩ thất. Bệnh nhân có thể ngừng thở do ức chế trung tâm hô hấp. Trên gan, thận gây viêm ống thận cấp, suy thận cấp, suy gan hiếm và xuất hiện trễ.

Thịt và mỡ của cóc tuy không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến thì vẫn có thể bị chất độc từ các bộ phận khác dính vào. Ngộ độc thịt và trứng cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Khi gặp bệnh nhân ngộ độc trứng cóc cần sơ cứu kịp thời đúng cách để hạn chế trường hợp xấu có thể xảy ra. Sau khi ăn phải bệnh nhân sẽ bị buồn nôn, nôn, đau đầu, bụng trướng. Khi đó, cần nhanh chóng loại bỏ chất độc bằng cách gây nôn. Sau đó, cần phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Giang Thu (T/H)