Trong nước

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình lý do lương nhà giáo xếp cao nhất

  • Tác giả : Mai Loan
Giải trình liên quan đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi xây dựng luật đã nhìn các ngành khác, không muốn ngành của mình có đặc quyền.
"Ngày 20/11 năm nay có một điều rất đặc biệt, niềm hạnh phúc của các nhà giáo lại được nhân lên rất nhiều bởi vì cũng đúng vào thời điểm này Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo. Chưa nói đến nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ đồng ý xây dựng và trình Quốc hội về Luật Nhà giáo đã là một sự ghi nhận, động viên rất to lớn đối với nhà giáo", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mở đầu trong phần giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà giáo sáng 20/11.
Bo truong Nguyen Kim Son giai trinh ly do luong nha giao xep cao nhat
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình về Dự án Luật Nhà giáo sáng 20/11. Ảnh: Phạm Thắng.
Không muốn ngành của mình có đặc quyền, đặc lợi, ưu ái bất thường
Qua 37 ý kiến, trong đó có 2 ý kiến tranh luận, còn lại các ý kiến phát biểu đều bày tỏ hoặc đồng tình, nhất trí, thống nhất hoặc thống nhất cao, thống nhất rất cao, ủng hộ rất cao, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, đây không chỉ là một thái độ ủng hộ mà còn với một tinh thần trách nhiệm xây dựng, trách nhiệm đối với ngành giáo dục cũng như với đất nước.
Liên quan tới một số ý kiến về đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi xây dựng các văn bản luật cũng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban soạn thảo đã nhìn cùng các ngành khác chứ cũng không muốn ngành của mình có những gì đặc quyền, đặc lợi hay một điều đó ưu ái, bất thường.
"Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình những người khác nghèo hơn mình, nhà giáo không chấp nhận điều đó đâu. Chỉ vì một điều là còn một phần rất lớn trong số 1,6 triệu người đấy vẫn còn ở mức chưa đủ sống, chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với một đất nước vừa mới thoát nghèo, cũng chưa phải một nước giàu mà khi cần phải ưu tiên chắc chắn không thể dàn hàng ngang ưu tiên cho tất cả mọi điều được. Cho nên, khi xét một đột phá chiến lược, là một quốc sách hàng đầu dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên. Chẳng hạn, lương nhà giáo như thế nào để có thể đảm bảo được cuộc sống ở mức tối thiểu.
Đối với việc dạy thêm của nhà giáo có nhiều ý kiến, Bộ đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn. Tức là cấm một số hành vi ép buộc học thêm của nhà giáo...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ban soạn thảo đã nghiên cứu đầy đủ 90 ý kiến thảo luận ở tổ cũng như 37 ý kiến ngày hôm nay, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến này.
"Có một số đại biểu nêu vì vấn đề khó khăn nên mới phải làm luật này, tôi cũng xin thưa lại là khó khăn của nhà giáo chỉ là một phần của lý do, để phát triển lực lượng nhà giáo mới là lý do chính yếu để làm luật này", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Xây dựng bảng lương nhà giáo đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) nhất trí cho rằng, cần xây dựng bảng lương nhà giáo đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác.
Bo truong Nguyen Kim Son giai trinh ly do luong nha giao xep cao nhat-Hinh-2
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Phạm Thắng.
Tuy nhiên, tại Điều 27 trong Dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.
Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc tại Điều 30 và Điều 31, đại biểu nêu quan điểm, chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo. Quy định về kéo dài thời gian làm việc, mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học. Từ đó một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt.
"Đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu, bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn. Xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy", đại biểu nêu ý kiến.
Về tiền lương và chế độ đãi ngộ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) cũng đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.
Bo truong Nguyen Kim Son giai trinh ly do luong nha giao xep cao nhat-Hinh-3
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận). Ảnh: Phạm Thắng.
Trong khi đó, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.
Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Về vấn đề dạy thêm, học thêm, theo đại biểu, cần có sự nhìn nhận thấu đáo để quy định cho phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật.
"Nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống", đại biểu nêu ý kiến.
Mai Loan