Dữ liệu y khoa

Bộ sinh phẩm giúp chẩn đoán nhanh nhiễm khuẩn huyết

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Đề tài: "Chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng kháng sinh" do PGS.TS Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108  cùng đồng nghiệp nghiên cứu thành công giúp phát hiện nhanh, chính xác bệnh với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các phương pháp hiện tại.

Thời gian test nhanh, kết quả chính xác

PGS.TS Lê Hữu Song, chủ nhiệm đề tài cho biết, bằng cách loại bỏ sự dư thừa ADN, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng kỹ thuật phản ứng chuỗi (PCR) cho mục đích phát hiện các mầm bệnh vi sinh vật gây nhiễm khuẩn huyết, rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh còn 4-6 giờ (so với 48-72 giờ của phương pháp cấy máu truyền thống). Phương pháp do nhóm nghiên cứu phát triển yêu cầu lượng máu rất nhỏ (chỉ khoảng 1-2ml so với cấy máu là 10-20 ml), phương pháp này đạt độ tương đồng 90,2% so với cấy máu truyền thống, đặc biệt là không phụ thuộc vào việc bệnh nhân được điều trị kháng sinh trước đó.

Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn vàng hiện nay để xác định một bệnh nhân có nhiễm khuẩn huyết là cấy máu nhưng phương pháp này có nhiều hạn chế, tỷ lệ dương tính chỉ từ 10-20%, tùy vào nơi cấy, như vậy, có khoảng 80-90% trường hợp không phát hiện ra mầm bệnh. Thứ hai, cấy máu cần thời gian dài, sớm nhất để phát hiện vi khuẩn gây bệnh phải mất 2 ngày, mà muốn xác định chính xác loại vi khuẩn nào phải mất tới 3 ngày. Trong khi đó, nhiễm khuẩn có sốc, không điều trị đặc hiệu thì tỷ lệ sống của bệnh nhân giảm đi 8% sau mỗi giờ chậm điều trị kháng sinh đặc hiệu. Theo PGS Lê Hữu Song, việc kéo dài thời gian chẩn đoán (nếu sau 24 giờ không điều trị) thì mạng sống người bệnh khó bảo toàn. Vì phương pháp cấy máu yêu cầu thời gian xét nghiệm dài nên bác sĩ phải đặt vấn đề tiêu diệt, bao vây mầm bệnh, và như thế lại xuất hiện tình huống vi khuẩn kháng kháng sinh, việc điều trị cho người bệnh sẽ nan giải. Thêm vào đó, nếu bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh thì việc cấy máu không phát hiện được vi khuẩn nữa, vấn đề điều trị càng khó khăn.

Tăng khả năng phát hiện mầm bệnh từ 34 lên 54%

Xuất phát từ tình hình đó, nhóm nghiên của của PGS.TS Lê Hữu Song đã chế tạo được bộ kit chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có tên Sepsis@quick. Tính chất thương mại của kit này được nhóm nghiên cứu so sánh với Roche’s Light Cycler-based SeptiFast® cho kết quả tương đương. Điều đặc biệt là Sepsis@quick có thể được thực hiện với nhiều hệ thống máy realtime PCR khác nhau và có tính chất mở hơn cũng như chi phí thấp hơn.

Theo PGS.TS Lê Hữu Song, dựa trên nền tảng thành công của công trình này, nhóm nghiên cứu BV TƯQĐ 108 sẽ tiếp tục phát triển và tối ưu hóa kit Sepsis@quick cho mục đích phát hiện các mầm bệnh vi sinh vật gây nhiễm khuẩn huyết; Phát triển phương pháp chẩn đoán nhanh các mầm bệnh truyền nhiễm cấp tính (bao gồm cả vi sinh vật gây nhiễm khuẩn huyết) tại hiện trường. Để triển khai các test nhanh cho mục đích phát hiện các mầm bệnh vi sinh vật gây bệnh cấp tính nguy hiểm và gen kháng thuốc tương ứng.

Cho đến nay, nghiên cứu đã tiến hành ứng dụng để chẩn đoán gần 1000 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, giúp cứu sống được hàng trăm bệnh nhân. 

Khánh Thủy