Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Luật GTĐB sửa đổi.
Trong dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới.
Loại hình xe du lịch được ghép với xe hợp đồng. Xe hợp đồng chỉ có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi.
Việc này để tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là xe taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng.
Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), việc cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng.
Do đó, gộp chung loại hình vận tải dưới 9 chỗ sẽ tránh được phân biệt đối xử. Thậm chí, theo lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT, không chỉ quy định tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi, thậm chí có thể có 3 loại taxi.
Theo đó, loại thứ nhất là có mào và không ứng dụng công nghệ; loại thứ 2 là có mào và ứng dụng công nghệ; loại 3 là ứng dụng công nghệ và không cần mào.
Hiện theo Luật GTĐB năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Theo đánh giá, việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe.
Tuy nhiên, năm 2016 xuất hiện các ứng dụng gọi xe Uber, Grab, sau đó là Be, Go-Viet, FastGo... khiến cơ quan quản lý khó phân loại các ứng dụng này vào loại hình nào trong 5 loại hình trên.
Sau nhiều năm tranh cãi, Nghị định 10 năm 2020 xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh.