Sức khỏe mới

“Bỏ đói tế bào ung thư” sẽ mất cơ hội điều trị

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Quốc Dũng (Bệnh viện K)
Bệnh nhân ung thư cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ, biết cách chế biến và ăn theo đúng bệnh. Đặc biệt, cần tránh những quan điểm sai lầm trong ăn uống khi bị bệnh.

Đủ dinh dưỡng và tăng cường nước ép hoa quả

Với các bệnh nhân ung thư, cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối hợp lý: Đầy đủ chất đạm, chất béo (lipid), glucid (gạo, ngô, khoai, sắn…), vitamin, khoáng chất, chất xơ.

Bệnh nhân cần ăn uống đủ năng lượng, giàu vitamin, nhiều rau xanh, chất xơ, đủ nước, thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có chất bảo quản độc hại.

Một chế độ ăn uống gồm 80% rau quả tươi, nước ép, ngũ cốc, các loại hạt quả, quả hạnh nhân và một ít loại trái cây. Chỉ nên tiêu thụ 20% thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu.

Nước ép hoa quả tươi cung cấp cho cơ thể co-enzym có thể dễ dàng hấp thụ và ngấm vào tế bào sau 15 phút, được tiêu thụ để nuôi dưỡng và giúp định hình các tế bào khỏe mạnh. Để có được các enzym sống, giúp xây dựng các tế bào khỏe mạnh, chúng ta phải cố gắng uống nước ép rau và ăn nhiều rau quả tươi 2 hoặc 3 lần mỗi ngày. Có thể cần kiêng một số thực phẩm do tình trạng bệnh tật cụ thể.

dinh-duong-tot-cho-bn-ung-thu.jpg
“Bỏ đói tế bào ung thư” sẽ mất cơ hội điều trị

Tránh một số quan điểm sai lầm trong dinh dưỡng thường gặp

- Nhịn ăn để “bỏ đói tế bào ung thư”: Điều này hoàn toàn sai lầm bởi việc nhịn đói sẽ khiến cơ thể suy kiệt, không thể theo được phác đồ điều trị, bệnh nhân sẽ mất cơ hội điều trị.

- Chế độ ăn kiềm hóa cơ thể: Bệnh nhân chỉ ăn các thực phẩm có tính chất kiềm hóa như trái cây tươi, rau quả, các loại hạt, các loại họ đậu và ngũ cốc nguyên cám. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh chế độ kiềm hóa giúp tiêu diệt tế bào ung thư, ngược lại nhiều trường hợp chứng minh phản khoa học.

- Uống nước lá và cúng bái.

- Không ăn đồ ngọt, không ăn đạm và chỉ ăn gạo nức, muối mè...

Lưu ý

- Các bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ, thực quản có xạ trị do teo các tuyến nước bọt, khô nước bọt nên ăn khó, dễ viêm nhiễm vùng miệng, mất vị giác: Cần phục hồi tuyến nước bọt, tập cơ nhai bằng nhai kẹo dẻo thường xuyên, ngậm nước chè xanh thường xuyên để chống viêm, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống đủ nước...

- Các bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng): Ở các bệnh nhân này yếu tố sinh lý, hệ vi khuẩn ruột đảo lộn, axit trong dạ dày thay đổi, khả năng diệt khuẩn giảm nên dễ bị rối loạn đường tiêu hóa, nôn, trớ… Người bệnh lên chia nhỏ các bữa ăn, ăn ít một, lựa chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu.

- Các bệnh nhân ung thư khác: Ung thư phổi, ung thư não... hay rối loại tâm lý, nên chán ăn cần động viên, chế biến món ăn hợp khẩu vị.

Để lấy lại cảm giác thèm ăn, nguyên tắc cơ bản là làm cho người bệnh luôn lạc quan, tin tưởng, nên ăn lúc cơ thể thỏa mái, tinh thần ổn định, ăn cùng gia đình, người thân, bạn bè, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày (5 - 6 bữa).

Kết hợp tâm lý liệu pháp và vận động giúp bệnh nhân ăn ngon miệng hơn, phòng viêm phổi, viêm đuờng tiết niệu, lở loét... Người thân có thể xoa bóp, thay đổi tư thế cho người bệnh, vận động thụ động cho bệnh nhân.

Khi có bất cứ băn khoăn gì về chế độ ăn của bệnh nhân ung thư, hãy đến gặp bác sĩ ung thư hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

ThS.BS Nguyễn Quốc Dũng (Bệnh viện K)