Dữ liệu y khoa

Biến thể Mu có nguy hiểm hơn Delta?

  • Tác giả : BS Trần Văn Phúc
Chủng hoang dại Vũ Hán gieo rắc nỗi kinh hoàng, nhưng các biến thể liên tục xuất hiện còn nguy hiểm hơn nhiều. Biến thể Alpha từ nước Anh nhanh chóng càn quét châu Âu và nước Mỹ, sau đó lan khắp châu Á. Đến biến thể Delta thì bóng đen đã phủ khắp toàn cầu, không quốc gia nào thoát khỏi sức tàn phá của nó. Và giờ đến biến thể Mu...

Tại sao biến thể liên tục xuất hiện?

Đột biến là là một hiện tượng phổ biến trong thế giới sinh vật, đột biến ở virus càng diễn ra nhanh hơn và dễ dàng hơn. Cấu trúc của virus rất đơn giản, gồm một vỏ protein bao bọc vật liệu di truyền bên trong là ARN hoặc ADN. Khi xâm nhập tế bào, vật liệu di truyền sẽ nhân lên với số lượng lớn hàng trăm triệu lần, còn gọi là quá trình sao chép để tạo ra những virus mới. Nếu sao chép xuất hiện lỗi thì gọi là đột biến.

Không phải mọi đột biến đều nguy hiểm và đáng sợ. Đôi khi, có những đột biến làm hại chính virus, nhưng có một đặc điểm là hầu hết đột biến không phù hợp để virus phát triển, nên sẽ nhanh chóng biến mất. Chỉ số ít những đột biến mang lại lợi thế chọn lọc cho virus, làm tăng khả năng lây nhiễm, tức là thành một dòng mới; khi đó gọi là biến thể.

Nhìn chung, các chủng virus ADN rất khó đột biến, vì ADN có cấu trúc mạch kép gồm hai chuỗi xoắn với nhau như chiếc thừng nên khá bền, kể cả khi xảy ra lỗi sai sót ở một chuỗi, thì ngay lập tức chuỗi kia có thể sửa sai giúp. Trong nhóm này có virus viêm gan B, virus gây mụn rộp Herpes, virus gây bệnh đậu mùa và virus thuỷ đậu.

Ngược lại, virus ARN rất dễ bị đột biến, vì có cấu trúc mạch đơn nên kém bền vững, nếu xảy ra sai sót trong quá trình sao chép thì không có khả năng sửa lỗi. Trong nhóm này có những virus thuộc họ Corona, virus gây bệnh cúm, virus viêm gan C, HIV. Do sự đột biến quá nhanh chóng và đa dạng, nên con người chẳng thể tìm ra một loại vắcxin phòng cho tất cả biến thể. Ví dụ cúm, mỗi năm một biến thể nên văcxin cũng phải hiệu chỉnh theo, tiêm nhắc lại từng mùa cúm. Cũng như vậy, loài người chẳng thể sản xuất ra văcxin phòng HIV, sốt rét thực sự hiệu quả.

Một tình huống khác là các vật chủ cũng trở thành tác nhân đột biến. Chẳng hạn virus cúm A có sự lây nhiễm ở gia cầm, lợn và người, quá trình lây truyền ở vật chủ có sự trao đổi gene gây ra các đột biến; trong số đó có H5N1 và H7N9.

bien-chung-covid-1.jpg

Mu có nguy hiểm khi lẩn tránh văcxin

Virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 là virus có đặc điểm ARN sợi đơn, dài nhất trong số các virus, nên khả năng xảy ra đột biến khá dễ dàng. Bởi vậy, sau chủng hoang dại Vũ Hán ban đầu, từ tháng 10/2020 đến nay, thế giới liên tục phát hiện những biến thể mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thành ba nhóm.

Biến th đang được điu tra (Variant Under Investigation- VUI): Ví dụ, biến thể VUI-21MAR-01 sau một thời gian xuất hiện, nó bỗng dưng biến mất hoàn toàn. Hiện nay, danh sách của WHO đang có 11 biến thể VUI.

Biến th được quan tâm (“Variant Of Interest- VOI): Hiện nay, WHO xếp 5 biết thể vào nhóm VOI, bao gồm Eta (η), Iota (ι), Kappa (κ), Lambda (λ), Mu (μ). Những ngày qua, dư luận và báo chí liên tục nhắc đến biến thể Mu.

Biến th đáng lo ngi (Variant Of Concern-VOC): Trong danh sách của WHO đang có 4 biến thể VOC, bao gồm Alpha (α), Beta (β), Gama (γ), Delta (δ).

Mấy ngày qua, báo chí đang tải và nhiều người hỏi ề biến thể Mu với sự lo ngại đáng kể. Theo xếp loại của WHO, thì biến thể Mu (μ) đang xếp vào nhóm biến thể được quan tâm VOI, chứ không phải là biến thể đáng lo ngại VOC giống như biến thể Delta.

Trước Mu, chỉ có 4 biến thể xếp vào nhóm VOI cần giám sát – Eta, Iota, Kappa, Lambda - nhưng không biến thể nào trong số này chuyển sang VOC. Hy vọng Mu sẽ không được xếp hạng biến thể VOC.

Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021, đến nay đã xuất hiện ở 40 quốc gia, nhưng chỉ chiếm 0,1% số ca nhiễm trên toàn cầu. Kết quả giải trình tự gene ở Colombia, có tới 39% số ca nhiễm là biến thể Mu, nhưng trong 4 tuần qua đã không có ca nào được báo cáo. Ecuador có 13% kết quả giải trình tự gene là Mu, trong 4 tuần qua có 9% được báo cáo. Chile có tới 40% Mu. Theo dữ liệu của GISAID, tính đến nay nước Mỹ có 2.400 ca nhiễm Mu được báo cáo, 49 bang nhiễm Mu trong đó California có 399 ca, Florida có 305, New York 203 ca, Texas 120. Nước Anh có 45 ca.

Mu có đột biến P681H, đây là đột biến gặp ở biến thể Alpha, nó làm cho virus lây truyền nhanh hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi đột biến này, chưa thể khẳng định ở biến thể Mu có tăng lây nhiễm thực sự hay không.

Mu còn có hai đột biến khác, đó là E484K và K417N, được cho là giúp virus lẩn tránh văcxin. Thực tế chưa đủ bằng chứng Mu có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Một nghiên cứu ở Phòng Thí nghiệm Roma cho rằng, văcxin của hãng Pfizer/BioNTech kém hiệu quả với Mu. Vào đầu tháng 8, hãng tin Reuter đăng tải 7 cư dân ở một trại dưỡng lão tại Bỉ đã tiêm phòng đủ hai mũi văcxin, nhưng đã tử vong khi Mu bùng phát tại đây. Đó chỉ là những lát cắt nhỏ, chưa đủ đại diện để khẳng định Mu lẩn tránh được văcxin.

Mu cũng xuất hiện những đột biến chưa rõ, ví dụ như R346K và Y144T, cần phải chờ thời gian thu thập số liệu và phân tích thêm.

Virus đột biến là bình thường, còn quá sớm để khẳng định Mu là biến thể đáng lo ngại VOC, các quốc gia cần giám sát chặt chẽ, các nhà khoa học cần phải có thêm những báo cáo, chúng ta cũng nên bớt đi sự phỏng đoán, không hoảng sợ; nhiều khả năng Mu không trở thành biến thể VOC nhưng chúng ta không được chủ quan. Đến nay, biến thể Delta vẫn là nguy hiểm nhất. Để ngăn chặn virus, văcxin là vũ khí quan trọng số 1, nhưng còn một thứ vũ khí quan trọng không kém đó là “văcxin của sự hiểu biết”. Hiểu biết để phòng vệ cho bản thân, chỉ khi mỗi người an toàn trước virus thì mới tạo nên một xã hội an toàn vượt qua đại dịch.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

BS Trần Văn Phúc