Khoa học & Công nghệ

Biến cây sả chanh thành “vàng”

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Sả chanh là loại cây trồng rẻ tiền, mọc ở hầu khắp mọi nơi… qua bàn tay của nhà khoa học Lê Văn Tri đã biến thành loài cây dược liệu có giá trị cao, đem lại thu nhập, việc làm cho người nông dân, và doanh thu nhiều tỷ đồng cho doanh nghiệp.
TS Lê Văn Tri dành nhiều năm nghiên cứu về cây sả chanh

TS Lê Văn Tri dành nhiều năm nghiên cứu về cây sả chanh

Quy trình khép kín tạo ra nhiều sản phẩm

Sả chanh là loài cây được trồng nhiều ở Việt Nam để lấy củ làm gia vị hoặc sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh; lấy tinh dầu để sử dụng trong các ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, dược phẩm. Tuy nhiên, việc chế biến các sản phẩm từ cây sả chanh cũng như xử lý nguồn bã thải sau chưng cất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường.

Gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vi sinh, xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và gần 10 năm nghiên cứu cây sả, TS Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học-phân bón Fitohoocmon ( Tập đoàn Biogroup)  đã tổng hợp và phát triển thành công công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội”. Ngày 13/11/2020, công trình đã vinh dự nhận giải thưởng kép: Giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2019 trong lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Giải WIPO 2019 do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng.

TS Lê Văn Tri (ngoài cùng bên trái) vinh dự nhận giải thưởng kép về cây sả chanh

TS Lê Văn Tri (ngoài cùng bên trái) vinh dự nhận giải thưởng kép về cây sả chanh

Chia sẻ về cơ duyên đến với cây sả chanh, TS Lê Văn Tri cho biết, ông bắt đầu nghiên cứu từ năm 2014. Việc chọn sả chanh để nghiên cứu hoàn toàn ngẫu nhiên: “Một lần, có người bạn ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đến gặp tôi đề nghị giúp tìm cách xử lý lá sả chanh sau khi chưng cất tinh dầu vì khi đó tôi được coi là chuyên gia về phân bón sinh học. Sau đó chúng tôi cùng lên  Hòa Bình thăm cơ sở chưng cất tinh dầu thủ công. Lúc đấy tôi thấy, lượng bã sả sau chưng cất là rất lớn, tương đương với lượng lá đem chưng cất. Có thể dùng bã làm phân bón hữu cơ một cách đơn giản là cho các chủng vi sinh vật phù hợp vào ủ. Hai là thiết bị chưng cất tinh dầu quá thủ công, bằng các thùng phuy ghép lại, lượng tinh dầu còn trong nước cất nhiều, tỉ lệ thu hồi thấp. Thời gian chưng cất lâu, tốn nhiên liệu và công lao động. Như vậy rõ ràng là không ổn ở tất cả các khâu, tôi tìm cách nghiên cứu, cải tiến lại”.

Cây sả chanh vốn là loại cây trồng rẻ tiền, nhưng khi nghiên cứu một cách bài bản, TS Lê Văn Tri nhận tháy, nếu tận thu từng bộ phận của cây: củ, lá, bã thải sau chưng cất…thì lợi ích khá lớn. Lá trước kia bỏ đi gây ô nhiễm môi trường thì nay được thu hồi để chưng cất tinh dầu, bã sau chưng cất làm đệm lót sinh học và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón sinh học. Tinh dầu sả chanh (hiệu suất thu hồi khoảng 0,2 – 0,3% trên lá tươi) dùng làm nguyên liệu để tổng hợp vitamin A, dùng để sản xuất nước hoa, xà phòng thơm, nước sát trùng, tẩy rửa… Từ đó, quy trình nghiên cứu khép kín tạo ra giá trị cho cây sả chanh của TS Lê Văn Tri hoàn thiện, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, tăng cao giá trị cho cây sả chanh.

Mô hình sử dụng bã sả và chế phẩm vi sinh Fito giúp giảm chi phí xử lý phân thải gần 5-10 triệu đồng/1 tấn phân gà so với mô hình sử dụng mùn cưa hoặc trấu hun và chế phẩm khác. Ngoài ra sử dụng bã sả làm vật liệu hấp thụ phân thải và chế phẩm vi sinh Fito còn tạo ra sản phẩm phân ủ (phân hữu cơ) có chất lượng tốt nên mang lại giá trị cao hơn so với phân ủ khi xử lý bằng các loại vật liệu khác (trấu, mùn cưa…) từ đó giúp tăng thu nhập cho trang trại từ việc bán phân bón thêm khoảng 200 đồng/kg phân ủ.

Cây sả chanh

Cây sả chanh

Người có nhiều bằng sáng chế nhất Việt Nam

Nói về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, TS Lê Văn Tri chia sẻ: “Trong lúc ở Việt Nam chưa có thiết bị công nghiệp nào để học theo, chúng tôi đã chế tạo thiết bị loại 3 tấn lá/mẻ, sau khi vận hành thấy không phù hợp nên đã chế tạo loại 1,0 - 1,5 tấn lá/mẻ là phù hợp hơn. Thời gian nghiên cứu đến hoàn thiện vì thế kéo dài hơn do phải mày mò thử nghiệm.

TS Lê Văn Tri hy vọng tới đây sẽ phải làm sao để nghiên cứu trồng và chế biến củ sả chanh hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế ở quy mô công nghiệp. Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ tinh dầu sả chanh, TS Lê Văn Tri đã hợp tác với Đại học Hóa và Công nghệ Praha (CH Séc) bước đầu cũng có kết quả nghiên cứu.

Để làm được điều đó, TS Lê Văn Tri cho biết sẽ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị và quy trình chưng cất tinh dầu bằng áp lực ở các quy mô khác nhau nhằm nâng cao năng rút ngắn thời gian chưng cất cho tất cả các cây tinh dầu. “Trong những năm gần đây chúng tôi đang triển khai nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để thu hồi tinh dầu và sản xuất các sản phẩm sau chưng cất tinh dầu từ cây màng tang, mác mật, quế, hồi, trầm hương… tùy vào nhu cầu của các địa phương mà có thể phát triển tiếp”.

Được biết năm 2012 khi xác lập kỷ lục Việt Nam và Châu Á năm 201, TS Lê Văn Tri được công nhận là tác giả có nhiều bằng sáng chế nhất áp dụng cho quá trình phát triển cây lúa; Người có nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất Việt Nam, Người có nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất Châu Á. Tính đến năm 2020, ông đã được cấp 50 văn bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích.

TS Lê Văn Tri cho rằng, làm khoa học thì không có từ “nghỉ ngơi”, nhưng phải đào tạo thế hệ kế cận. “Trong những năm gần đây, tôi thực sự đã “dành đất” cho thế hệ trẻ rồi, mong họ phát huy được thế mạnh, duy trì được hướng nghiên cứu và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Còn bản thân mình, chỉ mong lúc nào cũng khỏe mạnh để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, làm khoa học”.

Tô Hội

Tô Hội