Gia đình mới

Bí quyết giữ ấm cơ thể chống lại giá rét tránh bệnh tật

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Vào mùa đông, cơ thể chúng ta rất dễ bị nhiễm lạnh. Từ đó sức đề kháng có thể bị suy giảm và gây ra một số căn bệnh như viêm họng, đau khớp, hen suyễn, sổ mũi,... làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bí quyết giữ ấm cơ thể chống lại giá rét tránh bệnh tật. Ảnh minh họa

Bí quyết giữ ấm cơ thể chống lại giá rét tránh bệnh tật. Ảnh minh họa

Ăn uống đủ chất

Thực phẩm chính là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để giữ ấm cơ thể vào trong mùa đông. Thời tiết lạnh khiến cơ thể mất nhiều năng lượng để chống lạnh, bởi vậy chúng ta cần ăn đủ bữa, nạp đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Một số gia vị như gừng, tỏi,... thêm vào món ăn cũng giúp giữ ấm cơ thể rất tốt. Đồng thời, bạn nên ăn uống thực phẩm khi còn nóng, vừa giúp làm ấm cơ thể vừa bảo vệ hệ miễn dịch cơ thể.

Ngâm chân bằng nước ấm

Mùa đông, thời tiết lạnh khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm... đặc biệt ở chân, bàn chân. Vì vậy, bên cạnh giữ ấm cơ thể thì chúng ta cần giữ ấm đôi bàn chân. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn nên ngâm chân vào chậu nước ấm cho chút muối ăn khoảng 10-15 phút. Nếu có điều kiện có thể dùng nước ấm pha chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn,... Ngâm chân bằng nước ấm sẽ giúp “sưởi ấm” cho cả chân và cơ thể, giúp có giấc ngủ ngon.

Không nên tắm lâu, tắm muộn hoặc tắm quá sớm

Nhiều người có thói quen tắm quá lâu, tắm quá muộn hoặc quá sớm vào mùa đông sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới đột quỵ, tử vong vào mùa lạnh. Vì thế, chúng ta cần tắm nước ấm trong phòng kín gió và tuyệt đối không tắm quá lâu. Thời tiết quá lạnh có thể chỉ vệ sinh bằng khăn ấm.

Giữ ấm đầu và cổ

Đầu và cổ được xem là hai bộ phận quan trọng của cơ thể. Chúng cần được bảo vệ đúng cách khi thời tiết trở nên rét buốt. Nhiều người thường chủ quan rằng mình đã mặc đủ ấm nên không cần phải quàng khăn hay trùm đầu khi đi ra đường. Tuy nhiên, điều này khiến cho cơ thể dễ dàng bị nhiễm lạnh và lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân bởi vì đầu và cổ là hai bộ phận chứa rất nhiều mạch máu. Nếu chúng không được giữ ấm đúng cách, nguy cơ bị cảm lạnh, đau đầu, đau cơ, thậm chí làm suy giảm khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao.

Để giữ ấm đầu và cổ hiệu quả, bạn nên đội mũ len, mặc áo khoác có mũ, đeo khăn choàng cổ, hoặc dùng khăn để trùm lên đầu nếu bạn quên mang theo mũ. Lưu ý rằng khi lựa chọn mũ để đội vào mùa đông, bạn nên mua những loại mũ len dài có thể che được tai để đảm bảo vùng đầu được giữ ấm hoàn toàn. Đối với những ngày gió lạnh, bạn nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải không khí lạnh, giúp bảo vệ mũi và cổ họng, đồng thời tránh các bệnh lây qua đường hô hấp.

Uống nước ấm thường xuyên

Một trong những thói quen quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh chính là uống nước ấm thường xuyên. Nước ấm không chỉ có tác dụng giúp duy trì thân nhiệt cơ thể mà còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh do tác động của thời tiết lạnh gia tăng.

Nhiều người có thói quen uống nước đá vào mùa đông, tuy nhiên nó lại gây ra một số vấn đề đối với sức khỏe, đặc biệt là khi chúng ta tiếp xúc với không khí lạnh bên ngoài. Nước lạnh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, gia tăng sự co thắt mạch máu gây viêm nhiễm niêm mạc họng, từ đó dẫn đến các triệu chứng như ho, đau họng, sổ mũi, nhức đầu. Đồng thời, uống nước lạnh có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy do sự co thắt đường ruột.

Việc uống đủ nước cũng rất quan trọng trong mùa đông. Mặc dù bạn có thể cảm giác ít khát hơn so với mùa nắng nóng, nhưng cơ thể vẫn cần được cung cấp đủ nước để duy trì các chức năng cơ bản như tiêu hóa, trao đổi chất,... Uống ít nước có thể khiến các triệu chứng da nứt nẻ, đau đầu, mệt mỏi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một sự lựa chọn tốt để thay thế cho nước ấm đó chính là các loại trà nóng. Trà nóng không chỉ giúp làm ấm cơ thể mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Có thể tự pha các loại trà nóng đơn giản tại nhà như trà gừng, trà quế, trà xanh,... để thưởng thức trong mùa đông.

Tăng cường vận động

Thời tiết mùa đông lạnh buốt có thể khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi một chỗ hoặc nằm trong chăn ấm thay vì phải ra ngoài tập thể dục. Tuy nhiên, việc lười vận động trong thời tiết này có thể làm suy giảm thể lực và tăng nguy cơ mắc bệnh hơn.

Bạn nên dành ra một ít thời gian trong ngày để thực hiện những bài thể dục nhẹ nhàng, hoặc vận động tay chân để giãn cơ, tránh mắc các bệnh về xương khớp sau này. Ngoài ra, đi bộ hoặc chạy bộ khi có thời gian rảnh cũng là một hoạt động thể dục nhẹ nhàng, giúp làm ấm cơ thể và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Tuy nhiên, bạn không nên ra ngoài tập thể dục vào sáng sớm hoặc chiều tối muộn bởi vì đó là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất. Thay vì vậy, bạn có thể tập yoga, mua máy tập tại nhà hoặc tìm kiếm các bài tập trên Internet. Tăng cường vận động vào mùa đông không chỉ giúp duy trì nhiệt độ và sức khỏe, mà còn mang lại tinh thần lạc quan và năng lượng tích cực cho cơ thể.

Hạn chế rượu bia

Một số người thường xuyên uống rượu bia vào mùa đông do lầm tưởng rằng nó có thể giúp làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, lối sống không lành mạnh này mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe nếu lạm dụng quá mức.

Một trong những rủi ro lớn nhất khi uống quá say vào mùa đông là khả năng bị sốc nhiệt. Trong khi cơ thể đang ở trạng thái nóng do tác động của rượu bia, việc chuyển sang môi trường lạnh ngay lập tức có thể khiến cơ thể dễ bị đột quỵ, tai biến hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Nguyên nhân bởi vì khi uống rượu, các mạch máu thường giãn nở, khiến lưu lượng máu tăng cao và làm giảm áp lực máu. Tuy nhiên, tiếp xúc với không khí lạnh khiến các mạch máu phải co lại một cách đột ngột để giữ ấm.

Vì vậy, bạn nên hạn chế hoặc nói không với rượu bia. Kiểm soát lượng uống cũng là một cách quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Điều này giúp giảm nguy cơ gặp rủi ro liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ và áp lực máu, duy trì một trạng thái sức khỏe và tinh thần một cách tốt nhất trong mùa đông.

Trang phục

Mặc nhiều lớp là cách tốt để phòng giá rét thay vì mặc áo thật dày. Nhiều áo mỏng sẽ góp phần chắn gió để cái lạnh khó luồn vào cơ thể, và khi vào trong phòng ấm hay khi nhiệt độ tăng sẽ dễ dàng cởi bớt áo mà vẫn giữ ấm cho cơ thể. Luôn có mũ, khăn, tất, găng tay, khẩu trang để giữ ấm vùng đầu, cổ, mặt, tay chân.

Giang Thu (T/H)