Tượng Phật Di Lặc Khiết Thử (Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng) tại núi Cấm, tỉnh An Giang (ảnh internet).
Đây là vấn đề vô cùng thú vị liên quan đến biểu tượng Di Lặc trong quá khứ và hiện tại với hai hình thức biểu hiện hoàn toàn khác nhau: Một béo, một gầy.
Trong loạt bài viết liên quan đến việc xác minh pháp hiệu pho tượng đá là bảo vật Quốc gia tại chùa Phật Tích. Báo Khoa học & Đời sống nhận thấy xung quanh pho tượng này còn nhiều uẩn khúc cần khám phá. Để làm được việc đó, chúng ta cần phải trả lời các câu hỏi sau: Phải chăng có 2 nhân vật Di Lặc? (KHĐS xin gọi tắt là Di Lặc béo và Di Lặc gầy). Tại sao Di Lặc lại có 2 “biến thể” (Phật và Bồ Tát)? – điều mà các nhân vật tôn giáo khác như Thích Ca, A Di Đà… không có.
Di Lặc gầy là ai?
Ở loạt bài “Bí ẩn tượng đá chùa Phật Tích”, báo Khoa học & Đời sống đã đề cập đến Đức Phật Di Lặc, nay, chúng tôi xin tóm lược thông tin này trong một nghiên cứu của TS. Trần Hậu Yên Thế, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam như sau: Phật Di Lặc, trong tiếng Phạn được gọi là Maitreya, tiếng Pali là Metteya. Về danh xưng của ngài theo sách “Dictionary of Pali Proper names” (Từ điển chuyên dụng về tên gọi trong tiếng Pali) có một số lưu ý, Ajita là tự danh của đức Phật Metteya trong lần sinh cuối cùng ở cõi Đâu suất. Ajita được phiên âm thành 阿逸多(A Dật Đa). Metteya có nguồn gốc từ chữ maitrī trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “tình thương” nên khi dịch sang tiếng Hán có tên là 慈氏(Từ Thị).Theo kinh điển “Pali Mahāvastu” trong Trong lần sinh cuối cùng, ngài là một thái tử dòng dõi Ba la môn – đẳng cấp của tri thức. Tương truyền ngài có lòng từ bi với sinh linh vạn vật nên ăn chay từ trong bụng mẹ. Phật Từ Thị sẽ là hiện thân của Trí tuệ và Tình thương.
Về tiếu tượng học, hình tượng phổ biến của Đức Phật Di Lặc là dáng gầy, ngực lép, búi tóc buộc cao và diện Tào y (áo ướt). Di Lặc thường ngồi trên đôi sư tử đội tòa – bởi sư tử là một biểu tượng của Phật giáo. Riêng với đức Phật Di Lặc, sư tử là ứng với lời tiên tri của Phật Thích Ca về ngài. Trong một lần nói với Ananda, Phật tổ đã báo trước việc A Dật Đa sẽ trở thành con sư tử trong Jinas.
Trải qua thời gian phát triển, Phật giáo chia thành 3 nhánh là Đại thừa, Tiểu thừa và Kim cương thừa thì hình tượng Phật Di Lặc cũng biến đổi không ngừng.
Theo PGS. TS. Đinh Hồng Hải thì nguyên bản của biểu tượng Di Lặc trogn văn hóa Ấn Độ là một vị “Phật gầy” hoàn toàn khác với “Phật cười” hay “Phật béo” mà chúng ta thường thấy hiện nay.
Di Lặc béo là ai?
TS. Trần Hậu Yên Thế cho biết: Chỉ đến thời Tống mới bắt đầu phổ biến hình ảnh “Di Lặc béo” hay cũng gọi là ông Phật cười. Thực chất đây là hình ảnh của hòa thượng Khiết Thử sống vào cuối đời Đường, đầu đời Ngũ Đại, ở Phụng Hóa tỉnh Triết Giang. Vị hòa thượng này có danh xưng Bố Đại vì tương truyền hay mang một cái túi vải bố theo người, vân du nay đây mai đó.
Tương truyền trước khi viên tịch Khiết Thử để lại một bài kệ cho biết mình chính là hiện thân của Di Lặc. Hình ảnh sớm nhất là bức phù điêu chạm trên vách núi Linh Ẩn, Hàng Châu, Triết Giang, thế kỷ XI. Hình ảnh Di Lặc Di Lặc Khiết Thử – Bố Đại hòa thượng này là một sản phẩm rất đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa. Hình ảnh Di Lặc mang kiểu thức Trung Hoa này hoàn toàn trái ngược với truyền thống tiếu tượng của đức Phật Metteya.
Những điểm trái ngược đó là: Di Lặc Metteya có dáng gầy, bụng thon, nhỏ, diện mạo trẻ trung, đầu hơi cúi, tóc vấn, nghi dung trầm tư, dáng vẻ cao quý, tọa tòa sen, linh thú sư tử. Trong khi đó Di Lặc Khiết Thử có hình dáng béo, bụng to, căng tròn. Tuổi tác trông già. Đầu trọc, ngửa mặt. cười hỉ hả. Nghi dung, bình dân, ngồi bệt trên đất và không có linh thú.
PGS Đinh Hồng Hải đặt giả thuyết rằng Di Lặc béo được hình thành trong văn hóa Trung Hoa sau khi Pg Ấn Độ truyền đến Trung Quốc, hoàn toàn khác với Di Lặc gầy trong văn hóa Ấn Độ.
Theo truyền thuyết Trung Hoa thì Di Lặc Bố Đại hòa thượng là người tính khí thất thường, hay đi ngao du với một cây gậy và cái túi vải to. Bố Đại Hòa Thượng thường đi khất thực, đựng những thứ xin được trong túi vải rồi đem cho lại người khác, ăn uống như người phàm tục.
Xét về góc độ nghệ thuật tạo hình, tuyệt nhiên không thấy mối liên hệ nào giữa Bố Đại Hòa Thượng với biểu tượng Di Lặc ở Ấn Độ, Hymalaya hay Trung Á (trong khi tượng Phật Thích Ca vẫn giữ được nhiều nét cơ bản của nguyên mẫu Ấn Độ).
Điều này cho thấy sự “ly khai” văn hóa của biểu tượng Di Lặc khi du nhập vào khu vực trung tâm của văn hóa Hán. Không chỉ tách khỏi nguyên mẫu có sẵn từ văn hóa Ấn Độ để trở thành Phật béo/ Phật cười như ở chùa Linh Ẩn, Hàng Châu, Trung Quốc. Biểu tượng này còn phát triển thành vô số dạng biểu hiện khác trong dân gian với nhiều chức năng mới. Không chỉ tạo nên hình thức mới của Di Lặc mà còn hình thành nên dạng tín ngưỡng mới vượt ra ngoài phạm vi của Phật giáo.
Biểu tượng Di Lặc được phát triển ra rất nhiều biến thể khác nhau (nằm, ngồi, đứng) (ảnh internet)
Di Lặc béo vào Việt Nam từ khi nào?
Theo TS. Trần Hậu Yên Thế. Dạng thức Di Lặc Bố Đại hòa thượng đã ảnh hưởng sang Nhật Bản và Việt Nam với kiểu thức: Béo bụng – trọc đầu – cười toét. Tuy nhiên, điều cần làm rõ là kiểu thức Di Lặc béo này xuất hiện sớm nhất khi nào và ở đâu. Liệu thời Lý, Trần đã có kiểu thức này?
Cho đến nay, pho tượng Di Lặc Khiết Thử xuất hiện vào thế kỷ XVII ở chùa Mía được coi là sớm nhất. Nhưng cho đến hết thế kỷ XVIII, tượng Phật Di Lặc béo cũng không phổ biến trong các ngôi chùa Việt. Trong hệ thống Phật điện của chùa Bút Tháp – một ngôi chùa hoàng gia thế kỷ XVII, không xuất hiện tượng Phật Di Lặc.
“Hiện nay, chúng ta có thể thấy nhiều dạng Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng hay Di Lặc Khiết Thử có nguồn gốc từ Trung Quốc này đang thịnh hành ở khắp các chùa chiền, đồ lưu niệm của Việt Nam trong khi biểu tượng Di Lặc theo nguyên mẫu Ấn Độ lại hầu như không xuất hiện ngoại trừ pho tượng ở chùa Phật Tích mà các nhà nghiên cứu đang đặt nghi vấn. Hàng ngày, các tín đồ Phật Tử vẫn thờ cúng Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng nhưng không hề biết cội rễ xuất thân của biểu tượng này vốn được chuyển đổi từ văn hóa Ấn Độ từ “gầy” thành “béo”, PGS. TS Đinh Hồng Hải cho biết.
Quách Dương