Sức khỏe mới

Bị bỏng điện, bé trai 11 tuổi ngưng thở, suy đa tạng

  • Tác giả : Thúy nga
Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã cứu sống được trẻ bị điện giật ngưng thở, hôn mê sâu ngừng tuần hoàn, suy đa tạng, bỏng điện độ IV- V.

Bệnh nhi là bé trai N.T (11 tuổi, ở Hà Nội). Khoảng 11h ngày 5/9/2021, trẻ được gia đình phát hiện bị điện giật ngoài sân trong tình trạng tím tái, ngừng thở. Trẻ được gia đình sơ cứu tại chỗ bằng cách ép tim, sau 35 phút ép tim trẻ thở lại và được chuyển đến cơ sở y tế gần nhà, tiếp đó chuyển đến bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Do tình trạng chuyển biến nặng, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng thở máy, suy đa tạng, hôn mê sau ngừng tuần hoàn, bỏng điện độ IV-V vùng cổ tay phải, cổ tay trái và vùng ngực.

ThS.BSCKII Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Ngay lập tức trẻ được hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu để giải phóng chèn ép khoang cẳng tay phải do hoại tử bỏng khô chèn ép.

Sau 1 tuần điều trị trẻ thoát thở máy tuy nhiên tình trạng suy thận cấp vẫn nặng nên được chuyển đến điều trị tại khoa Thận và Lọc máu.

Khi tình trạng suy thận được cải thiện, ngày 13/9 trẻ được chuyển đến đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình. Tại đây, trẻ được phẫu thuật cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da che phủ diện bỏng hoại tử da, gân cơ, xương.

Trẻ cũng được lập kế hoạch kiểm tra vết thương hàng ngày và sử dụng các liệu pháp tư vấn tâm lý giúp giảm đau và hướng dẫn tập phục hồi chức năng. 

Hiện tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, có thể ra viện trong một vài ngày tới.

bong-dien-1.jpg
ThS.BSCKII Phùng Công Sáng thăm khám cho trẻ bị bỏng điện

Theo ThS.BS CKII Phùng Công Sáng bỏng điện thường nặng gây ra vết bỏng sâu tới cơ xương, đặc biệt với điện cao thế hoặc điện sinh hoạt (thời gian tiếp xúc dài). Mức độ nặng của vết bỏng tùy thuộc vào cường độ dòng điện, thời gian tiếp xúc với điện.

Bỏng điện có tỉ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng như rối loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim, hoại tử da, gân, cơ, di chứng ở não, gây mất hoặc giảm chức năng của cơ quan bị bỏng, ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Trẻ có thể phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần và phải tập phục hồi chức năng tốt thì mới có thể phục hồi.

Gia đình cần lưu ý, đối với trẻ bị bỏng điện cần nhanh chóng tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát. Nếu trẻ bị ngã, cần có phương án chống đỡ phía dưới để tránh tình trạng chấn thương nặng thêm.

Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm.

Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ. Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu.

Để phòng tránh tai nạn bỏng điện, cha mẹ không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…

Thúy nga