Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa phong kiến, hình ảnh các thái giám luôn gắn liền với cung điện hoàng gia, là một phần không thể thiếu trong bộ máy vận hành quyền lực. Từ thời Tây Chu, chế độ sử dụng thái giám đã xuất hiện và kéo dài hơn nghìn năm, cho đến khi triều đại nhà Thanh sụp đổ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sự tàn lụi của chế độ này lại đến từ một sự kiện bất ngờ và đau xót, một vụ hỏa hoạn lớn tại Tử Cấm Thành vào năm 1923.
Theo ghi nhận từ đài truyền hình Bắc Kinh, ngày 23/6/1923, ngọn lửa hung dữ đã bùng phát tại cung Phúc Kiến, một khu vực quan trọng trong Tử Cấm Thành. Báo cáo từ truyền thông thời bấy giờ cho biết, chính vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh, Phổ Nghi, là người đầu tiên phát hiện ra đám cháy và nhanh chóng báo động. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của Phổ Nghi lại gây tranh cãi. Ông đã không cho phép lính canh mở cổng thành để lực lượng cứu hỏa bên ngoài vào ứng cứu. Lý do được đưa ra là vì Phổ Nghi lo ngại về việc cướp bóc và tuân thủ nghiêm ngặt gia huấn của hoàng tộc, cấm người ngoài xâm nhập cung cấm.
![]() |
Ảnh minh họa. (Weibo) |
Sự chậm trễ này đã phải trả giá đắt, nguồn nước giếng hạn chế bên trong Tử Cấm Thành không đủ sức dập tắt ngọn lửa ngày càng lan rộng. Đám cháy dữ dội kéo dài suốt hai giờ đồng hồ, thiêu rụi mọi thứ trong cung Phúc Kiến thành tro bụi. Chỉ đến khi tình hình trở nên tuyệt vọng, Phổ Nghi mới bất đắc dĩ cho phép lực lượng cứu hỏa bên ngoài tiếp cận, nhưng đã quá muộn.
Sau vụ hỏa hoạn, Phổ Nghi đã tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. Kết quả khiến ông vô cùng phẫn nộ, ngọn lửa bắt nguồn từ hành vi trộm cắp của các thái giám trong cung. Để che giấu tội lỗi và phi tang chứng cứ, những thái giám này đã cố tình phóng hỏa, đốt cháy cung Phúc Kiến. Đáng chú ý, tình trạng trộm cắp của thái giám không phải là chuyện mới xảy ra mà đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong cung cấm từ lâu.
Quá phẫn nộ trước sự tha hóa và lộng hành của các thái giám, Phổ Nghi đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử. Ông ra lệnh trục xuất toàn bộ thái giám ra khỏi Tử Cấm Thành, chỉ giữ lại 20 người để phục vụ bên cạnh mỗi thái phi. Quyết định này đã chính thức đặt dấu chấm hết cho chế độ thái giám kéo dài hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Hoa. Ngọn lửa oan nghiệt tại cung Phúc Kiến, dù mang đến mất mát và đau thương, nhưng lại vô tình trở thành chất xúc tác, chấm dứt một chế độ đã lỗi thời và đầy rẫy những bất công trong xã hội phong kiến Trung Quốc.