Bắc cầu điều trị đột quỵ
Nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em như bất thường mạch máu não bẩm sinh, nhiễm trùng hoặc do tự miễn… Phần lớn nếu được chẩn đoán sớm, đúng và xử trí kịp thời sẽ đem lại kết quả tốt, hạn chế nhiều di chứng về sau. Một trong số đó là bệnh Moyamoya (MY) gây tổn thương hai mạch máu chính của não.
Tổn thương não như làn khói mờ (bên phải) trong bệnh lý Moyamoya có thể khiến trẻ bị đột quỵ. |
BSCKI Phan Minh Trí, Đơn vị Ngoại Thần kinh, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận 3 ca bị tổn thương mạch máu não do bệnh lý MY. Trường hợp điển hình là bệnh nhi nữ Nguyễn Thị T.N. (4 tuổi 11 tháng, Đăk Nông).
Trước đó 6 tháng, bé bị yếu tay chân trái đột ngột, hồi phục. Tình trạng này lặp lại nhiều lần và có xu hướng nặng dần. Bé nhập viện trong tình trạng nhiều cơn đột quỵ lặp lại khi khóc hay vận động mạnh. Kết quả chụp MRI não và chụp mạch não DSA cho thấy bé bị bệnh MY cả 2 bên mạch máu não chính.
“Vì các máu máu não của bé hiện kích thước vô cùng nhỏ, chừng đầu tăm, nên rất dễ xảy ra tổn thương mạch máu như gây tắc, vỡ dù chỉ xoắn vặn nhỏ. Trước mắt, chúng tôi đã hội chẩn và lên phương án phẫu thuật bắt cầu mạch máu gián tiếp trong ngoài sọ bên phải. Chúng tôi đã sử dụng mạch máu thái dương nông bắt cầu vượt qua chỗ hẹp để nuôi các mạch máu não li ti”, BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết.
Bệnh nhi hoàn toàn bình phục sau ca phẫu thuật mổ bắt cầu mạch máu ngoài sọ. |
Hiện nay, bé đã ngưng máy thở 24h sau mổ, vết mổ khô tốt; ăn uống bình thường sau 48h và bé đã được xuất viện. Trong thời gian tới bé cần tiếp tục tái khám và lên phương án cho lần mổ bắt cầu phía não còn lại.
Đột quỵ não ở trẻ em, đừng coi thường
Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khuyến cáo, chúng ta thường quan niệm rằng, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, rất ít khi gặp ở trẻ con. Đó là quan niệm sai lầm và vô cùng tai hại. Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ được gia đình đưa vào bệnh viện trong nhiều tình huống khác nhau có liên quan đến đột quỵ: từ tê, yếu tay chân cho đến hôn mê sâu.
MY là bệnh lý gây ra bởi tình trạng viêm vô căn gây tắc dần hệ động mạch cảnh trong (động mạch chính cấp máu nuôi não). Theo thời gian não bệnh nhân sẽ bị tổn hại do quá trình thiếu máu, cuối cùng dẫn đến tử vong. Hiện nay, với chẩn đoán đúng và chính xác, các bệnh nhi có thể được được điều trị bằng vi phẫu thần kinh.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, trước đây, nhiều trường hợp MY bị bỏ sót nên trẻ nhập viện trong tình trạng liệt nặng và thậm chí tử vong do não tổn thương. |
Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, trong đó có nối bắt cầu mạch máu trong và ngoài não. Trước thời điểm phẫu thuật, các bé sẽ được uống các loại thuốc chống huyết khối. Các bác sĩ phải theo dõi liên tục và sát sao lượng máu tưới lên não. Được thực hiện dưới kính hiển vi để phóng to, giúp khâu nối những mạch máu siêu nhỏ.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã thực hiện được 3 ca bắt cầu điều trị bệnh lý MY này, trẻ lớn nhất là 10 tuổi và trẻ nhỏ nhất là 4 tuổi 11 tháng.
Bệnh lý MY có tỷ lệ mắc là 0,9/100.000 trẻ. Các trẻ thường bị liệt đột ngột, hồi phục nhanh, tuy nhiên các cơn tê liệt này có thể tiến triển nghiêm trọng theo thời gian và tử vong do tắc nghẽn mạch máu não. Đột quỵ ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, Moyamoya là căn bệnh dễ bị bỏ sót.
BSCKI Phan Minh Trí khuyến cáo, cần đưa trẻ đến khám ngay khi có những biểu hiện liên quan đến thần kinh mà không rõ nguyên nhân: Đau đầu kéo dài, tái phát nhiều lần; động kinh nhưng không liên quan sốt; yếu, tê hoặc dị cảm ở mặt, tay hoặc chân; rối loạn thị giác.
Ngoài ra, khó nói hoặc chậm hiểu hơn thông thường, xuất hiện những vận động không chủ ý, suy giảm nhận thức… cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý MY. Đây là bệnh lý gây đột quỵ hoàn toàn có thể điều trị được bằng phẫu thuật. Nếu được chẩn đoán sớm và phẫu thuật sớm sẽ hạn chế rất nhiều di chứng não hoặc tử vong do đột quỵ.