Nam bệnh nhân (75 tuổi) ở phường Cao Thắng, TP. Hạ Long, đến viện trong tình trạng khó thở, tím môi, đầu chi, khạc nhiều đờm đục, kết quả chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh viêm phổi phải lan tỏa. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi cộng đồng trên nền tăng huyết áp.
Gia đình cho biết, bệnh nhân trước đó có ho sốt, khó thở, đã tự mua thuốc uống 2 tuần không khỏi, tình trạng ngày càng xấu đi. Kết quả kháng sinh đồ của bệnh nhân này là vi khuẩn cộng đồng đa kháng kháng sinh.
BSCKI Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trưởng khoa Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết, bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn kháng kháng sinh là Klebshiealla pneumoniea, là loại kháng hầu hết các loại kháng sinh.
Một trường hợp khác điều trị tại khoa Hồi sức tích cực là bệnh nhân 59 tuổi ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, sốt liên tục, đờm đục, được chẩn đoán viêm màng não, đã điều trị ở tuyến trung ương 2 tuần.
Kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc (Acinetobacter bauumanii), kháng tất cả các loại kháng sinh.
BS Thắng khuyến cáo, kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực Châu Á. Hiện nay, tình trạng tự ý mua kháng sinh tại quầy thuốc để điều trị của người dân đáng báo động. Khi dùng kháng sinh không đúng, không phù hợp sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc.
Đặc biệt với những người mắc bệnh lý mãn tính, già yếu thì việc tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều lần sẽ càng dễ gây tình trạng kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, tình trạng kháng kháng sinh còn do sự lây chéo vi khuẩn kháng kháng sinh trong bệnh viện, thường gặp nhất là ở những bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại nhiều tuyến y tế khác nhau.
Khi gặp vi khuẩn kháng thuốc sẽ rất khó khăn khi lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp. Các bác sĩ phải sử dụng các loại thuốc thế hệ mới hoặc phải phối hợp nhiều loại thuốc điều trị, sẽ tốn kém hơn.