Y học và đời sống

Bệnh do virus Marburg có tỉ lệ tử vong cao: Biện pháp gì để phòng ngừa?

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/h)
Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh Marburg, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong, cần giám sát tại các cửa khẩu, biên giới, giám sát người nhập cảnh từ châu Phi...

Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm do virus Marburg trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương trong cả nước có biện pháp tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bởi vì bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Hình ảnh minh họa mô phỏng virus Marburg. - Ảnh đồ họa: Hương Giang

Hình ảnh minh họa mô phỏng virus Marburg. - Ảnh đồ họa: Hương Giang

TP HCM giám sát người nhập cảnh từ châu Phi ngăn virus Marburg

UBND TP HCM yêu cầu giám sát 21 ngày với người nhập cảnh từ các nước châu Phi đang có dịch Marburg, do bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao.

Yêu cầu được UBND TP HCM đưa ra sau khi tiếp nhận công văn ngày 17/3 của Bộ Y tế, cho rằng virus Marburg là mầm bệnh nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao 50-88%, cần giám sát chặt chẽ.

UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng bệnh, giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg, không để virus lây ra cộng đồng. Ngoài ra, Sở Y tế xây dựng các kịch bản đối phó để không bị động.

Các cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận người có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, khó chịu, kèm tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết, cần điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc để phát hiện và lấy mẫu kịp thời.

Sở Y tế Bình Phước ban hành biện pháp chống dịch bệnh Marburg: Giám sát tại các cửa khẩu, biên giới.

Theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Marburg vừa được Sở Y tế Bình Phước ban hành, đơn vị đưa ra ba tình huống là chưa ghi nhận bệnh, xuất hiện các ca bệnh xâm nhập và dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Các địa phương, cơ quan y tế, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp giám sát trường hợp bệnh tại cộng đồng. Các đơn vị y tế giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân; lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo, gửi mẫu về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán xác định bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát lượng khách du lịch qua các cửa khẩu biên giới giáp Campuchia vào Bình Phước. Trung tâm phối hợp với các đơn vị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường nắm thông tin về khách du lịch, đặc biệt những người đến từ vùng có dịch châu Phi để truyền thông, vận động họ tự giám sát sức khỏe, kịp thời khai báo với cơ quan y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Marburg. Trung tâm phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Người dân làm thủ tục nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) Ảnh: HOÀNG GIÁP

Người dân làm thủ tục nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước)

Ảnh: HOÀNG GIÁP

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện giám sát tình hình sức khỏe của những người lao động đang làm việc hoặc xuất phát, trở về từ các khu vực đang có dịch của châu Phi; không tổ chức đưa lao động Bình Phước đến các khu vực đang có dịch.

Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh; cửa khẩu phụ Tân Tiến và một lối mở. Tỉnh có 260km đường biên chung với Campuchia. Bộ đội Biên phòng Bình Phước và các đơn vị liên quan đang tổ chức hàng chục chốt, trạm kiểm soát dọc biên giới vừa đảm bảo an ninh, an toàn vừa phòng, chống dịch bệnh xâm nhập.

Các biện pháp phòng tránh bệnh

Theo PGS.TS. Trần Đình Bình, Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, trên phương diện quốc gia và các tổ chức y tế thì biện pháp kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nghi mắc bệnh có thể xâm nhập vào từ các khu vực có lưu hành bệnh trên thế giới.

Nhân viên phòng xét nghiệm phải được tập huấn định kỳ về an toàn sinh học đối với các virus thuộc nhóm bệnh này. Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ cá nhân có độ an toàn sinh học cấp 3 cho nhân viên y tế khi tiếp xúc, làm việc với tác nhân nghi là virus Marburg.

Phòng bệnh đối với cá nhân, sử dụng các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt gồm các phương tiện phòng hộ cá nhân (vệ sinh tay, mang găng, áo quần bảo vệ, kính mắt, mạng che mặt) và khẩu trang đặc biệt khi tiếp xúc với người bệnh.

Để phòng tránh nhiễm trùng do virus này, cần phát hiện bệnh sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật hoang dã.

Khi tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về, nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán.

Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh để phòng dịch bệnh Marburg. Ảnh minh họa. Ảnh:internet

Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh để phòng dịch bệnh Marburg.

Ảnh minh họa. Ảnh:internet

Hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Bệnh nhân bị bệnh cần phải đưa vào khu cách ly đặc biệt. Thu gom chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác) và khử khuẩn triệt để bằng cloramin 1-5%, hoặc những chất khử khuẩn khác, nên dùng với nồng độ cao.

Quần áo, đồ dùng kim loại ô nhiễm có thể khử khuẩn bằng nhiệt (hấp áp lực 1210C/30 phút hoặc đun sôi 60 phút). Buồng bệnh được khử khuẩn bằng phun cloramin duy trì nhiều giờ. Thời gian theo dõi cách ly trong vòng 14 - 21 ngày sau khi phát bệnh.

Theo Bộ Y tế, Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong đến 88%. Bệnh do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả. Bệnh có thể lây từ động vật sang người, từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch…), hoặc với môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc do virus Marburg.

Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Bệnh marburg chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

Tuấn Huy (T/h)