Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, HoSE: BCM) vừa công bố kết quả phát hành mã trái phiếu BCMH2427005 có giá trị 320 tỷ đồng vào ngày 9/10 vừa qua. Lô trái phiếu này kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 9/10/2027.
Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 5 được Becamex IDC huy động thành công kể từ đầu năm. Tổng giá trị của 5 lô trái phiếu này là tổng 2.120 tỷ đồng.
Dồn dập huy động trái phiếu, áp lực đáo hạn gần kề
Trước đó, ngày 17/6/2024, BCM đã phát hành trái phiếu mã BCMH2427001 với mệnh giá 800 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm; ngày 8/8/2024 tiếp tục phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu mã BCMH2427002, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm.
Ngày 14/8/2024, BCM cùng lúc phát hành hai lô trái phiếu mã BCMH2427003 trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,2%/năm và 300 tỷ đồng trái phiếu mã BCMH2427004, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm.
Becamex liên tục huy động trái phiếu. Ảnh: Internet. |
Trong diễn biến liên quan, Becamex IDC mới đây thông qua nghị quyết việc rút bớt tài sản bảo đảm của mã trái phiếu BCMH2427001 là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số hiệu CY 3756299, thửa đất số 245, tờ bản đồ 44 tại phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Để thực hiện việc này, Becamex IDC sẽ triển khai lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu mã BCMH2427001 để rút bớt tài sản bảo đảm và triển khai trong tháng 10/2024.
Nợ vay cao ngất ngưởng, "quán quân" trong ngành
Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Becamex IDC ghi nhận vay nợ tài chính hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 8% so đầu năm. Sự gia tăng vay nợ ngắn hạn đã tạo nên áp lực về khả năng thanh toán của Becamex IDC.
Nợ vay cao và đang tăng lên làm suy giảm đáng kể lợi nhuận của công ty, thể hiện qua việc chi phí lãi vay chiếm 25%-30% EBIT trong ba năm gần đây và tăng mạnh lên 52% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm lên tới 538 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính cao đã bào mòn lợi nhuận của Becamex IDC còn 513 tỷ đồng lãi sau thuế trong 6 tháng đầu năm, mới thực hiện được 22% kế hoạch cả năm.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Becamex IDC đã đạt mức 1,1 lần vào cuối quý 2 vừa qua, mức cao nhất trong ngành bất động sản khu công nghiệp.
Giai đoạn 2019 – 2022, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Becamex IDC dao động quanh mức 0,75 – 0,85 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên mạnh trong thời gian gần đây và tiệm cận mức đỉnh 1,2 lần của năm 2018.
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp đều duy trì trạng thái tiền mặt ròng thì Becamex có nợ ròng với tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao.
Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Vì là doanh nghiệp nhà nước, do UBND tỉnh Bình Dương đang sở hữu 95,4% cổ phần, Becamex IDC muốn tăng vốn cần phải có sự phê duyệt của Chính phủ.
Nhiều năm qua, Becamex IDC vẫn chưa được phê duyệt tăng vốn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay. Kể cả khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, Becamex IDC vẫn liên tục huy động vốn qua kênh này.