Thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bệnh nhân N.V.P - 11 tuổi (Thanh Chương, Nghệ An) bị chó dại cắn. Nhưng trẻ không được tiêm phòng vắc xin dại đúng cách, mà tự điều trị bằng thuốc nam, nên sau 3 tháng, bé trai phát bệnh dại và tử vong.
Theo lời kể từ phía gia đình, cách đây 3 tháng, cháu bị chó trong làng nghi dại cắn vào cẳng tay trái. Sau khi bị cắn, con chó bị người trong làng đánh chết. Sau 2 ngày bị chó cắn, bệnh nhi được ông đưa đi lấy thuốc nam và điều trị tại nhà (trẻ được uống 10 ngày thuốc nam) thay vì tiêm phòng dại.
Ngày 29/11, sau khi bị chó cắn 3 tháng, ông nội thấy trẻ có biểu hiện lạ, nói nhiều kèm theo sốt nhẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, chữa trị.
Trẻ vào viện trong tình trạng mệt, không nôn, lo lắng, kích động, sợ gió, sợ nước, sốt 38°C. Sau khi vào viện, bệnh nhi được lấy dịch nước bọt, chọc dịch não tủy làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dại.
Ngày 30/11 tình trạng bệnh nhi diễn biến xấu dần, không ăn uống được, co giật, tăng tiết nhiều dịch nước bọt gia đình xin đưa trẻ về nhà.
BSCKII. Võ Mạnh Hùng – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại (thuộc giống Lyssavirus) gây nên.
Bệnh lây từ động vật sang người qua các vết thương, thường do động vật cắn. Biểu hiện của bệnh là viêm não tủy cấp tính, đặc biệt là biểu hiện viêm hành tủy, cuối cùng dẫn đến tử vong nếu chưa thu được miễn dịch trước khi phát bệnh.
Các động vật máu nóng vừa là ổ chứa vừa là véc tơ lây truyền bệnh. Các động vật có thể là: chó, mèo, chồn, gấu, dơi….
Cho đến nay chưa có biện pháp điều trị nào có hiệu quả với bệnh dại. Điều trị hỗ trợ chỉ có tác dụng kéo dài thời gian diễn biến của bệnh nhưng cuối cùng bệnh nhân vẫn tử vong. Tiêm phòng vacxin dại là phương pháp duy nhất và hiệu quả phòng bệnh, nên khi bị chó dại cắn, người dân tuyệt đối không được điều trị bằng các bài thuốc dân gian, gia truyền và thuốc nam.
Phương pháp phòng bệnh dại:
- Quản lý vật nuôi hạn chế chó, mèo thả rông, tiêm vắc xin cho chó mèo nuôi.
- Khi người bị động vật nghi dại cắn cần: Xử lý vết thương: rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc.
- Vết thương bẩn, dập nát cần cắt lọc. Để hở vết thương. Chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày.
-Theo dõi súc vật cắn, tuyệt đối không giết chết súc vật cắn. Tiêm phòng vắc xin uốn ván. Tiêm phòng vắc xin dại.