Gia đình mới

Bé trai 2 tháng tuổi loét khắp người vì mắc giang mai bẩm sinh

  • Tác giả : Thúy Nga
Giang mai bẩm sinh không chỉ khiến trẻ suy dinh dưỡng, thiếu máu mà còn có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như gan, tim và tiến triển đến hệ thần kinh, gây ra những biến chứng nặng nề.

Suy dinh dưỡng vì bị giang mai bào thai

Ngày 19/12, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho bé 2 tháng tuổi bị giang mai bẩm sinh từ trong bào thai.

Theo đó, khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bé trai V.T.T, 2 tháng tuổi dân tộc Mông ở Văn Chấn, Yên Bái có biểu hiện ban sẩn đỏ rải rác vùng mông, sau 5-6 ngày, các ban này tiến triển thành rộp phồng nước và lan dần ra hai chân, hai tay và vùng cổ.

Gia đình đưa trẻ đến phòng khám tư bôi thuốc không rõ loại, tắm nước chè xanh trong 2 ngày nhưng không cải thiện.

Tình trạng sau đó nặng hơn, ban phồng nước vỡ chảy dịch vàng lẫn máu. 5 ngày sau khi trẻ xuất hiện tình trạng sốt cao 38 độ C, quấy khóc, gia đình đưa bé đến cơ sở y tế để khám.

Xét nghiệm tại đây phát hiện trẻ mắc giang mai bẩm sinh kèm thiếu máu nặng, bé được chuyển đến khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Nhập khoa Nhi trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, các tổn thương ngoài da dạng săng giang mai rõ rệt. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy may mắn âm tính, loại trừ biến chứng giang mai thần kinh. Bé được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh giai đoạn 2, đi kèm tổn thương toàn thân và thiếu máu.

Bé trai 2 tháng tuổi loét khắp người vì mắc giang mai bẩm sinh ảnh 1

Bé trai 2 tháng tuổi loét khắp người vì mắc giang mai bẩm sinh

Tại khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bé được điều trị khẩn cấp bằng kháng sinh trong 2 tuần kết hợp truyền 1 đơn vị hồng cầu để cải thiện tình trạng thiếu máu.

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của trẻ bắt đầu cải thiện: các tổn thương ngoài da giảm dần, trẻ cắt sốt và ăn uống tốt hơn. Sau 2 tuần điều trị, bé được xuất viện với tình trạng ổn định và cân nặng tăng trưởng tích cực

ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Bé T tuy sinh đủ tháng nhưng bé chỉ nặng 1,6kg. Đây là dấu hiệu rõ rệt của tình trạng suy dinh dưỡng bào thai do ảnh hưởng từ bệnh giang mai bẩm sinh.

Điều đáng lưu ý là cả bố và mẹ của bé T đều mắc giang mai nhưng không biết. Vì vậy trong quá trình mang thai cũng không thăm khám, điều trị. Khi xuống Bệnh viện chúng tôi đã điều trị cho cả bố và mẹ của bé”.

Theo BS Nguyễn Mạnh Trường: Giang mai bẩm sinh không chỉ khiến trẻ suy dinh dưỡng, thiếu máu mà còn có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như gan, tim và tiến triển đến hệ thần kinh, gây ra những biến chứng nặng nề.

Giang mai bẩm sinh là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu phụ nữ mang thai chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc giang mai từ sớm.

Việc phát hiện kịp thời và điều trị đầy đủ không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người mẹ mà còn là chìa khóa đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Việc thăm khám thai kỳ định kỳ và tuân thủ các chỉ dẫn y tế là yếu tố then chốt để ngăn chặn bệnh giang mai bẩm sinh.

Giang mai bẩm sinh gây nhiều bệnh nguy hiểm, phụ nữ mang thai nên sàng lọc

TS.BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh giang mai ít nhất 1 lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ những bệnh lý nguy hiểm cho thai nhi và trẻ sơ sinh.

Trẻ bị giang mai bẩm sinh - Ảnh BVCC

Trẻ bị giang mai bẩm sinh - Ảnh BVCC

Theo TS.BS Phương, giang mai bẩm sinh là trường hợp mẹ mắc bệnh giang mai và truyền cho thai nhi trong khi mang thai. Sự lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kì.

Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.

Các trường hợp nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng thấy xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi; khi 5 - 6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.

Biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu, thường gặp nhất là trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như: phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ đẻ ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to.

Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh 3 – 4 năm với các biểu hiện như: viêm giác mạc kẽ thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên và có thể dẫn đến mù, lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ.

Ngoài ra còn có thể thấy các dị hình như: thủng vòm miệng, trán dô, xương chày lưỡi kiếm…

Nếu bệnh được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và không để lại di chứng.

Phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh giang mai ít nhất 1 lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ hiệu quả nhất bệnh giang mai bẩm sinh.

Thúy Nga