Ngày 18/03, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, vừa cứu sống thành công trẻ bị hóc dị vật đe dọa tính mạng. Theo đó, trẻ 10 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng quấy khóc, kích thích nhiều, ho tím tái.
Theo lời kể của gia đình, ngày hôm trước trẻ được anh cho ăn hạt đậu phộng da cá. Sau khi ăn bệnh nhân ho, sặc sụa, tím tái, được người nhà móc họng, vỗ lưng, sau đó trẻ khóc và hồng hào trở lại bình thường. Đến chiều tối ngày hôm sau khi trẻ ăn cháo xong thì ho nhiều, ho sặc sụa, tím tái, khó thở gia đình đưa trẻ nhập viện đa khoa huyện. Qua khai thác gia đình trẻ bị hóc dị vật, bệnh viện cho trẻ thở oxy và chuyển viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và được chỉ định Nội soi gắp dị vật ngay trong đêm. Các bác sỹ đã gắp được 1/2 hạt lạc ở phế quản.
Hạt lạc trong phế quản bệnh nhi được lấy ra |
Sau hơn 1 ngày thở máy, hiện trẻ đã được cai thở máy và tiếp tục được theo dõi toàn trạng tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận rất nhiều ca bệnh trẻ hóc dị vật, có những ca bệnh đã để lại hậu quả rất nặng nề. Đây cũng là lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh có con nhỏ. Cần lưu tâm sát sao, không cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, không có nguồn gốc rõ ràng.
Hóc dị vật đường thở là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra đặc biệt là khi trẻ đang ăn uống một thứ gì đó. Trẻ bị hóc dị vật đường thở nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể tử vong.
Theo BS.CKII. Trịnh Văn Long - Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Tình trạng trẻ nuốt sặc dị vật vào trong đường hô hấp rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, chậm trễ, đúng cách có thể sẽ để lại những di chứng rất nặng nề như: Hẹp khí quản do sẹo khi lấy dị vật đâm sâu, viêm phổi thở máy kéo dài, nấm phế quản do dị vật nằm lâu…
Khi trẻ bị hóc dị vật cần sơ cứu ban đầu đúng cách:
- Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở. Đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để gắp dị vật ra.
- Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi xe cấp cứu và xử trí sơ cứu sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi:
+ Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.
+ Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
+ Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
+ Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
– Đối với trẻ lớn:
+ Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 – 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.
+ Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt.
- Không cho trẻ chơi đồ chơi và vật dụng nhỏ có đầu nhọn như đinh, ốc vít, bút, đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa, để cao hẳn khỏi tầm tay của trẻ.