Trong nước

Bé 10 tháng phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng do lồng ruột gây hoại tử

  • Tác giả : Thúy Nga
Lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng, là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đoạn ruột bị lồng sẽ bị hoại tử, dẫn đến thủng ruột và gây viêm phúc mạc...

Nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột trẻ em

Bệnh nhi được người nhà đưa đến Phòng khám đa khoa Hùng Vương – Kim Xuyên cấp cứu trong tình trạng Sock mất dịch, môi khô, mắt trũng, li bì. Gia đình bệnh nhi cho biết sáng cùng ngày vào viện trẻ xuất hiện nôn nhiều lần, nôn ngay sau ăn kèm đại tiện 3-4 lần phân lẫn máu, trẻ mệt mỏi, li bì.

Ngay lập tức bé được cấp cứu bù dịch, siêu âm ổ bụng phát hiện lồng ruột và được chuyển ngay Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thực hiện phẫu thuật cấp cứu.

Bệnh nhi nhanh chóng được tiến hành phẫu thuật cấp cứu, do phát hiện muộn nên đoạn ruột lồng đã bị hoại tử vì vậy các bác sĩ đã tiến cắt đoạn đại tràng phải lập lại lưu thông.

Bé 10 tháng phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng do lồng ruột gây hoại tử - Ảnh BVCC

Bé 10 tháng phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng do lồng ruột gây hoại tử - Ảnh BVCC

Hiện tại sau phẫu thuật tình trạng sức khoẻ bệnh nhi ổn định và tiếp tục được theo dõi tại khoa Nhi Bệnh viện.

Theo các bác sĩ, lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng, trong đó 80-90% các bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi, là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đoạn ruột bị lồng vào nhau sẽ bị hoại tử, dẫn đến thủng ruột và gây viêm phúc mạc (màng bụng).

Nhận biết bệnh sớm để tránh tai biến

Các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận và điều trị trẻ bị lồng ruột. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết thay đổi số trẻ bị bệnh này tăng cao hơn bình thường, bởi do môi trường và độ ẩm không khí thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển.

Chăm sóc trẻ bị lồng ruột - Ảnh BVCC

Chăm sóc trẻ bị lồng ruột - Ảnh BVCC

Việc chẩn đoán lồng ruột được thực hiện dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng. Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, được gia đình đưa đến sớm kịp thời, các các bác sĩ dùng dụng cụ bơm hơi qua hậu môn một cách nhẹ nhàng để tháo khối lồng. Tuy nhiên, những trẻ được phát hiện muộn dẫn đến tình trạng tắc ruột, sử dụng tháo lồng thất bại thì buộc phải chỉ định phẫu thuật.

Trẻ bị lồng ruột thường có biểu hiện đau bụng theo từng cơn, nôn ói, khóc thét, ưỡn bụng, giẫy dụa, chân đạp lung tung. Các cơn đau kéo dài 5 phút làm cho trẻ mệt mỏi. Những cơn đau này thường có triệu chứng rất điển hình. Sau khi đau bụng, trẻ bị nôn ói do những thức ăn chưa tiêu, sau đó ói dịch xanh, vàng và nếu nặng có thể ói ra phân, đi ngoài ra máu.

Bệnh thường gặp ở trẻ từ 4-24 tháng tuổi, nhưng gặp nhiều nhất là trẻ từ 4-10 tháng tuổi. Trẻ đã từng bị lồng ruột, nguy cơ tái diễn bệnh rất cao.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ, khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột cần đưa đến bệnh viện để được khám và xử trí kịp thời, các bác sĩ khuyến cáo.

Chăm sóc trẻ bị lồng ruột - Ảnh BVCC

Chăm sóc trẻ bị lồng ruột - Ảnh BVCC

Biểu hiện của bệnh lồng ruột

- Trẻ có biểu hiện đau bụng từng cơn, khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn...Cơn đau bụng có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú;

- Nôn: ở giai đoạn đầu lồng ruột, trẻ bị nôn ra thức ăn; Ở giai đoạn muộn, trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng;

- Đại tiện ra máu: thường xuất hiện ở giai đoạn muộn, trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, phân có nước nhầy.

Với những trẻ đang bị sốt, ho, nhiễm siêu vi hay những trẻ đã từng bị lồng ruột thì triệu chứng trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng là một dấu hiệu nghi ngờ bị lồng ruột...

Do lồng ruột diễn biến rất nhanh nên ngay khi trẻ có biểu hiện khóc thét, bỏ bú và nôn ói nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay tại bệnh viện gần nhất.

Thúy Nga