KINH TẾ

Bất động sản tại TP Thủ Đức sốt giá chưa từng thấy

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Từ khi TP Thủ Đức được thành lập, giá nhà đất tại các quận 2, 9, Thủ Đức đã tăng mạnh chưa từng thấy. Không chỉ nhà đất tại khu dân cư hiện hữu, mà đất nền, căn hộ chung cư cũng đang xác lập mặt bằng giá mới.

Giá tăng “phi mã”

Tháng 1 vừa qua, hai dự án chung cư cao cấp trên địa bàn Thủ Đức mở bán gây ngỡ ngàng cho nhiều người với giá công bố lên tới 100 triệu đồng/m2, mức giá chưa từng thấy ở khu vực này. Cụ thể, dự án King Crown Infinity (trên đường Võ Văn Ngân, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) có quy mô 1,1ha và dự kiến cung cấp cho thị trường 739 căn hộ với diện tích từ 55 - 220m2. Chủ đầu tư BCG Land (thuộc Bamboo Capital Group) công bố giá bán của dự án này lên tới hơn 95 triệu đồng/m2 chưa bao gồm thuế GTGT. Tính ra, căn hộ rẻ nhất cũng có giá không dưới 5 tỷ đồng.

Kế đến là dự án Masterise Homes quy mô 1,9ha trên xa lộ Hà Nội (phường An Phú, quận 2) cũng vừa công bố giá bán xấp xỉ 100 triệu đồng/m2. Đây được xem là dự án có giá cao nhất khu vực Thảo Điền, An Phú hiện tại. 

Không chỉ căn hộ mà đất nền, đất nông nghiệp, nhà phố của TP Thủ Đức hiện cũng tăng giá khá cao so với trước khi sáp nhập 3 quận. Trong đó, khu vực quận 9 có mức giá tăng mạnh nhất; còn khu vực quận Thủ Đức, quận 2 thì mức tăng ít hơn, nhưng hầu hết đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trước khá nhiều.

Đầu tháng 2/2021, tại quận 9, khu Tăng Nhơn Phú, nhiều căn nhà phố hẻm xe hơi pháp lý sổ hồng, diện tích đất 50m2, quy mô xây dựng một trệt 2 lầu, diện tích sử dụng 150m2 đang được giao dịch 5,2 - 5,3 tỷ đồng một căn. Mức giá này đã đội lên 800 triệu đồng một căn so với vùng giá giao dịch 4,5 tỷ đồng ghi nhận từ tháng 10/2020, thời điểm Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức được công bố ngày 31/12 năm ngoái.

Tương tự, đất khu mặt tiền đường Nguyễn Xiển (quận 9) cách đây vài tháng được giao dịch giá 30 triệu đồng/m2, hiện đã là 50 triệu đồng/m2. Hay khu vực phường Long Phước, cũng ở quận 9, giá đất nông nghiệp cũng vọt lên 10 - 12 triệu đồng/m2 dù cách đây 1 năm chỉ có 4 - 5 triệu đồng/m2. Tại quận 2, một số tuyến đường thuộc dự án Đông Thủ Thiêm, giá tầm 60 - 65 triệu đồng/m2 (đất có diện tích 15m x 25m)… hiện đã tăng 10 - 15% so với trước. Còn ở khu vực quận Thủ Đức, giá đất ở phường Trường Thọ đã tăng hơn 30% so với trước.

Theo ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, giá nhà phố tại quận 9, Thủ Đức đang tăng khá mạnh trong vòng 4 - 6 tháng qua. Nguyên nhân chính của đợt thiết lập mặt bằng giá mới này là do việc quy hoạch, thành lập TP Thủ Đức nhận được sự ủng hộ cao và đã nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Không chỉ nhà đất, căn hộ chung cư tại TPHCM cũng đang xác lập mặt bằng giá mới.

Không chỉ nhà đất, căn hộ chung cư tại TPHCM cũng đang xác lập mặt bằng giá mới.

Cú hích tâm lý

Theo ông Hạnh, diễn biến tích cực của TP Thủ Đức tạo nên cú hích tâm lý cho thị trường nhà ở trên địa bàn này. Mặt khác, vì nhà liền thổ tại TPHCM không nhiều nguồn cung cũng khiến giá bị đội lên trong dịp cuối năm. Bởi đây là thời điểm nhiều người chọn bỏ tiền vào loại tài sản gắn liền với đất để tìm kênh trú ẩn an toàn.

Đại diện Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, nguyên nhân khiến BĐS khu vực TP Thủ Đức tăng giá mạnh gần đây là do khu vực này đã và đang tiếp tục được tập trung đầu tư hàng loạt công trình phát triển cơ sở hạ tầng. Trong tổng số nguồn vốn 350.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng giao thông tại TPHCM từ năm 2010 đến nay, có đến 70% nguồn vốn thuộc TP Thủ Đức. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến tổng nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng tại TPHCM khoảng 852.500 tỷ đồng, trong đó, nhiều hạng mục ở khu Đông sẽ tiếp tục được triển khai gồm: Đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025 với vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 22/1, tại lễ công bố và trao các quyết định nhân sự chủ chốt của TP Thủ Đức. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, nâng giá làm bất ổn thị trường sau khi chính thức thành lập TP Thủ Đức. Những biện pháp được đưa ra là chủ trương tăng cung nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, cũng như công bố minh bạch, rõ ràng thông tin liên quan đến quy hoạch, phát triển hạ tầng…

Trong quy hoạch phát triển TP Thủ Đức cũng nêu rõ: Giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2022, TP sẽ xây dựng dự án, tạo quỹ đất và kế hoạch sử dụng; từ năm 2023 - 2030 là giai đoạn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng số và giai đoạn 3 từ năm 2030 - 2040 sẽ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, giao thông, hạ tầng, thiết kế đô thị các khu vực, nhà đầu tư mở rộng triển khai kế hoạch đầu tư.

Cục Thuế TPHCM mới đây cũng có văn bản gửi UBND TPHCM, đề xuất giữ nguyên bảng giá đất các tuyến đường của 3 đơn vị hành chính cũ (các quận 2, 9 và Thủ Đức) trên bảng giá cũ áp dụng cho các tuyến đường của TP Thủ Đức trong quyết định điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 02/2020 của UBND TPHCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Điều này sẽ tránh được biến động giá, bảo đảm tính liên tục, không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản giao dịch mua bán BĐS tại đây.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, đề xuất giữ nguyên bảng giá đất năm 2021 của Cục Thuế TPHCM là hoàn toàn hợp lý. Bởi việc này được xem là hiện thực hóa các chỉ đạo của TPHCM về chống đầu cơ, đẩy giá BĐS ở TP Thủ Đức. Đề xuất này nếu được đồng ý sẽ tránh làm xáo trộn một số chính sách, cách tính thuế... đặc biệt là ổn định thị trường BĐS khu vực TP Thủ Đức dù thị trường thực tế bên ngoài vẫn tăng. Việc giữ nguyên bảng giá đất TP Thủ Đức với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đều được lợi. Quan trọng hơn, điều này sẽ ổn định tâm lý cho người dân cũng như thị trường BĐS. "Việc lên TP Thủ Đức chỉ mới bắt đầu, thu ngân sách sẽ còn nhiều cơ hội trong tương lai nên năm 2021 giữ nguyên bảng giá đất là hợp lý", ông Lê Hoàng Châu nhận xét.

Hữu Thông