KINH TẾ

Bất động sản du lịch Việt Nam: Bánh ngon nhưng không dễ ăn

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Sự gia tăng lượng khách du lịch thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch…. Tuy nhiên, bất động sản du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.

Cơ hội trong tầm tay

Nếu năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn.

“Thực tế từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển bất động sản du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh. Các dự án bất động sản du lịch được mở bán tại các thành phố lớn, các khu vực ven biển, miền núi, hải đảo như: Hà Nội, TPHCM, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt...Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch”, ông Siêu cho biết thêm.

Còn theo, TS. Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết: “Không ít các doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư bất động sản nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản du lịch”.

Sự tăng trưởng mạnh của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian qua, đã làm cho các doanh nghiệp bất động sản có niềm tin hơn khi đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch. Cụ thể, có tới 36,4% doanh nghiệp có ý định đầu tư mới vào lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và 45,5% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này.

Kết quả khảo sát ý kiến các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam do nhóm chuyên gia của Công ty Tư vấn Economica Vietnam và TheLeader (Diễn đàn các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam) mới đây cũng cho thấy, có tới 75,9% doanh nghiệp cho rằng lĩnh vực nhà ở đang mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất; theo sau là lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng với 17,5%.

Bên cạnh cơ hội kinh doanh và đầu tư, thì cũng còn những thách thức lớn voiws cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, cơ quan vận hành,...Đó là những "nút thắt" về cơ sở hạ tầng, bài toán quy hoạch, dịch vụ du lịch, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tại địa phương và đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu đang phát triển mạnh mẽ của bất động sản du lịch.

Đồng thời với đó, là yêu cầu về việc giải bài toán cân bằng đầu tư vào hạ tầng du lịch, tăng cường khả năng kết nối thuận tiện các điểm đến với thị trường thế giới. Là đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, góp phần tạo niềm tin cho du khách cũng như thu hút các nhà đầu tư. Đó còn là vấn nạn lâu năm của du lịch Việt Nam khi loay hoay tìm cách đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau vài chục năm phát triển du lịch và ngay giữa làn sóng phát triển du lịch hiện nay, thì nguồn nhân lực ngành du lịch của Việt Nam vẫn đang được đánh giá là “vừa thiếu vừa yếu”.

Nhưng nhiều thách thức

Ngoài việc đầu tư vào cở hạ tầng thì việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, điểm đến cũng là một yếu tố quan trọng. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng: “Nếu không cải thiện những sản phẩm du lịch và chất lượng của dịch vụ, chúng ta sẽ không thể thu hút được khách du lịch chi tiêu cao hơn hay thôi thúc du khách quay trở lại”

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, du lịch Việt Nam đôi khi quá xem trọng vai trò của khách du lịch nước ngoài, trong khi 80 triệu người Việt đóng vai trò khách du lịch nội địa cũng quan trọng không kém. “Khi tôi tham quan các resort 5 sao Việt Nam, tôi thấy khách du lịch Việt Nam là chính, còn khách du lịch nước ngoài lại thích kiểu khác. Họ thích khám phá, phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch tiết kiệm. Vì vậy, chúng ta phải cân đối, cần tập trung cả quảng bá du lịch cho khách nội địa” - ông Nam nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, 18 triệu - 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5-7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, do đó, Việt Nam vẫn còn đang thiếu hàng chục ngàn phòng khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao. Dù dư địa thị trường lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản sản du lịch “rất ngon” nhưng không phải ai cũng ăn được. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng.

Đáng chú ý, ông Nam cho rằng, phương pháp đấu thầu dự án bất động sản hiện nay không ổn. Đặc biệt là đối với loại hình bất động sản du lịch, các doanh nghiệp cần tham gia đầu thầu dự án phải đáp ứng các yêu cầu về doanh thu, phương pháp xây dựng… vốn không phải thế mạnh hoạt động. Bên cạnh đó, ngay tại các dự án đã hoạt động, thì cũng gặp vấn đề về trình độ, kỹ năng của các nhân viên vận hành khá yếu. Tình trạng khách phàn nàn về chất lượng phục vụ tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng là không hiếm, nếu không nói là khá phổ biến. Tuy nhiên, để xử lý vấn đề này, các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự và xem đây là phương án chủ chốt, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học bên ngoài. Lý do vì mỗi dự án có một đặc trang khai thác khác nhau, với triết lý quản trị, kinh doanh, và phục vụ một đối tượng khách mục tiêu khác nhau.

Đồng thời với đó, ngành du lịch cũng cầm cùng lúc giải được ba vấn đề liên qua tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, là khi vận hành phải có thương hiệu trong và ngoài nước. Cuối cùng là kết hợp đào tạo nhân sự cơ bản từ nhà trường với phương pháp tự đào tạo và đào tạo lại.

Hữu Thông