Dọc đường

Bảo tàng làng liệt truyện

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Có những bảo tàng tư nhân nhỏ nhưng lượng du khách rất đông. Điều gì tạo nên sự hấp dẫn của một bảo tàng?

Tấm biển đường Nguyễn Văn Huyên được treo trong bảo tàng.

Chuyện về tấm biển... đường

Một buổi chiều cuối thu đầu đông tôi đến thăm bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở làng Lai Xá, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 - 30 cây số. Bảo tàng được xây trên một khu đất nhỏ nhắn, xinh xắn, nằm trong làng Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội. Đường làng nên chỉ đủ cho người đi bộ, xe gắn máy. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai của cố giáo sư Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, chủ nhân của bảo tàng tiếp chúng tôi. Ông Huy nguyên là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người cùng con cháu trong dòng họ Nguyễn ở đây lập nên bảo tàng này. Bảo tàng tư nhân Nguyễn Văn Huyên được khai trương cuối năm 2014 với  diện tích trưng bày 150m2. 

Ngay tại tầng 1, khách tham quan được nghe câu chuyện về phả hệ gia đình. Bên cạnh có tấm biển đường đề tên Đường Nguyễn Văn Huyên. Tấm biển đường được làm cùng thời với con đường Nguyễn Văn Huyên dẫn vào Bảo tàng Dân tộc học ngày nay. 
Đó là năm 1997, nhân sự kiện   Francophonie, chào đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac tới thăm. Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp sẽ tới Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cắt băng khánh thành. 
Để chuẩn bị cho sự kiện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên ngay tại Bảo tàng khi ông đến kiểm tra. Khi Thủ tướng nói, con đường dẫn vào bảo tàng chưa có nhưng sau đó 2 tháng, đường Nguyễn Văn Huyên được hình thành.

Đây là con đường cụt, chỉ dẫn tới bảo tàng là hết  nên người ta đã làm dư ra 1 tấm biển đường và phải bỏ đi vì chưa biết khi nào con đường sẽ được làm tiếp. Nhân viên bảo vệ của bảo tàng thấy vậy đã xin tấm biển đường về che chắn ở nơi kín đáo. 
Tình cờ ông Huy khi đó làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thấy tấm biển đề tên cụ thân sinh mình lấm bẩn bùn đất, xi măng thì xin lại và cất đi. Khi có Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, tấm biển đã được các bạn đồng nghiệp của ông Huy kỳ công làm vệ sinh sạch sẽ đem ra trưng bày. 

Hai chiếc va ly như chuẩn bị được xách đi công tác.

Nắn nót từng chi tiết

Trên tầng 2, nhiều kỷ vật của gia đình được ông Huy bày theo trật tự, logic. Chiếc va ly được mẹ ông sử dụng thời kháng chiến. Nhờ chiếc va ly này mà nhiều bức ảnh, thư của mẹ được giữ tới ngày nay. 

Bên cạnh là chiếc va ly da của bố ông, cụ Nguyễn Văn Huyên sử dụng khi cụ sang Đức mổ vào năm 1975. Đây là chuyến đi mãi mãi của cụ. Khi cụ mất, quần áo, tư trang được đóng vào va ly và đưa từ Đức về. Ông Huy đặt hai chiếc va ly dựng song song chứ không đặt nằm để thấy như bố mẹ mình hoặc sắp sửa một chuyến đi công tác hoặc như vừa mới đi xa trở về. Một cuộc sống như đang tiếp diễn.

Đi từ hiện vật này tới hiện vật khác, người xem hình dung được nhiều mảng màu trong cuộc sống thời chiến tranh. Ở đâu đó chiến tranh như chưa gõ cửa, không giống sự mường tượng của ta về sự đổ nát, khốc liệt, nghèo đói thời đó mà ta hằng biết. 

Ông Huy đang điều chỉnh hệ thống thuyết minh tự động.

Bảo tàng nhà khoa học

Khi ông Huy nghỉ hưu, ông Nguyễn Anh Trí lúc đó là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, người sáng lập Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học (MEDLATEC) đã mời ông giúp đỡ xây dựng một trung tâm di sản các nhà khoa học. Tiến tới sẽ xây dựng một bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam cho công ty này. 

Dự án đầy khó khăn nhưng bằng sự yêu nghề, trân trọng các tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học, ông Huy đã nhận lời. “Trung tâm Di sản các nhà khoa học lúc đó chưa có gì, đường hướng chưa rõ ràng. Nhưng nhờ có kinh nghiệm, suốt 10 năm tôi cùng anh chị em ở đây tổ chức triển khai sưu tầm tài liệu của các nhà khoa học, đặc biệt những câu chuyện của các nhà khoa học cao tuổi”, ông Huy nói. 

Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sưu tầm hiện vật, ông Huy nhắc đến GS Nguyễn Văn Nhân, chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật xương. Ông có ý tưởng đột phá, xây dựng ngân hàng xương để thay cho thương binh. Tài liệu của GS Nhân vô cùng đồ sộ, là kho tri thức vô tận đối với sinh viên trường y. 

Và cố GS.VS Trần Đại Nghĩa, người xây dựng nền móng cho nền khoa học Việt Nam (sau này là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) sang Pháp du học từ năm 22 tuổi. Sau khi thành tài, ông bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở hãng chế tạo máy bay với mức lương tương đương 22 lượng vàng/tháng để cùng Bác Hồ về nước với ý tưởng về phục vụ đất nước. Các tài liệu nghiên cứu, kỷ vật của ông cũng đã được lưu lại một phần tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. 

10 năm theo đuổi những câu chuyện về  các nhà khoa học Việt Nam nhưng với ông Huy và những người cộng sự, đây chỉ là những viên gạch đầu tiên để xây bảo tàng tương lai về các nhà khoa học Việt Nam. Hiện bảo tàng đang được từng bước xây dựng tại Công viên Di sản các nhà khoa học ở Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Trong một tương lai gần hy vọng ở đây sẽ đón hàng triệu lượt khách tham quan để xem và nghe những câu chuyện về những con người đặt nền móng đầu tiên cho khoa học nước nhà.     
 

Khánh Thủy