Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của mưa lớn, giông lốc từ bão số 3 Yagi làm hư hỏng 178 ngôi nhà.
Di dời 400 hộ dân
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình, tính đến 13h ngày 7/9, lực lượng chức năng đã di dời hơn 400 hộ dân trên địa bàn ra khỏi vùng nguy cơ cao do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi.
Cụ thể, tại TP Hòa Bình đã thực hiện di dời hơn 120 hộ về nơi an toàn; trong đó có 51 hộ, 171 nhân khẩu tại Làng Vạn chài thuộc tổ 14 (phường Thịnh Lang); 10 hộ với 11 nhân khẩu sinh sống tại các lán trại đê Ngòi Dong, thuộc phường Thịnh Lang đến nhà văn hóa phường Thịnh Lang và một số gia đình họ hàng.
|
Người dân sinh sống tại dãy nhà A8, A9 (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) được di dời trong sáng 7/9. |
Di dời khẩn cấp 60 hộ dân với 160 nhân khẩu đang sinh sống tại 2 dãy nhà A8, A9 (phường Tân Thịnh) đến nhà văn hóa tổ 1 và tổ 3 (phường Tân Thịnh). Lực lượng chức năng cũng đã sơ tán một số hộ dân có nguy cơ ngập úng tại phương Quỳnh Lâm về nơi an toàn.
Tại huyện Lạc Sơn, đã di dời 124 hộ tại các xã Mỹ Thành, Ân Nghĩa; Văn Nghĩa; Miền Đồi. Huyện Cao Phong di dời 12 hộ về khu vực an toàn. Huyện Lương Sơn di dời 43 hộ về khu vực an toàn. Huyện Tân Lạc di dời 24 hộ và 53 lồng cá về nơi an toàn.
Huyện Yên Thủy đã thực hiện sơ tán 60 hộ dân trên địa bàn các xã Yên Trị (04 hộ dân), Ngọc Lương (30 hộ dân), Đa Phúc (26 hộ dân) về khu vực an toàn.
Nhiều nhà cửa bị tốc mái
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của mưa lớn, giông lốc từ 19h ngày 6/9 đến 16h ngày 7/9, làm hư hỏng 178 ngôi nhà, trong đó: Huyện Tân Lạc 54 nhà; huyện Lương Sơn 3 nhà; huyện Lạc Sơn 12 nhà; huyện Đà Bắc 19 nhà; huyện Kim Bôi 2 nhà; huyện Mai Châu 7 nhà; huyện Cao Phong 70 nhà; TP Hòa Bình 1 nhà.
|
Nhà cửa của người dân bị tốc mái do mưa, gió bão. |
Mưa và giông lốc làm thiệt hại 748ha hoa màu các loại. Trong đó, huyện Tân Lạc 23,3ha; huyện Lương Sơn 349,5ha; huyện Kim Bôi 25ha; huyện Cao Phong 196ha. Ngoài ra, tại huyện Đà Bắc bị chìm 4 thuyền, thiệt hại 3 lồng cá; huyện Cao Phong sập 1 nhà bè, đứt dây neo đậu 4 lồng cá.
Bên cạnh đó, tuyến đường tỉnh 433, địa phận xã Hòa Bình sạt lở tại km5 +100, km6+900; km5+800. Tại huyện Cao Phong sạt lở taluy âm một số tuyến đường thuộc xã Thạch Yên. Cùng với đó, nhiều địa phương đã sảy ra tình trạng cây gãy đổ, sạt lở tường bao, cột điện, công trình phụ trợ…
|
Mưa, gió bão gây tốc mái nhà của người dân ở huyện Mai Châu. |
|
Nhà cửa của người dân ở huyện Kim Bôi bị tốc mái, hư hỏng. |
|
Mái lợp proxi măng rơi vỡ vụn. |
Tập trung ứng phó thiên tai với phương châm "4 tại chỗ"
Trong Công điện số 22 ngày 7/9, về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 19 ngày 4/9; Công điện số 21 ngày 5/9; Công văn số 649 ngày 6/9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thông báo số 8404 ngày 7/9 của Thường trực Tỉnh ủy.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động rà soát, triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và nhà nước, kịp thời khôi phục sản xuất sau bão; đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, có phương án bảo đảm tài sản của doanh nghiệp.
Tiếp tục duy trì công tác trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai trong thời gian tới, cập nhật, báo cáo thiệt hại và tổ chức chỉ đạo kiểm tra, đánh giá thiệt hại, kịp thời khắc phục các sự cố do bão gây ra.
|
Cây xanh gãy đổ vào cột điện trên địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. |
Các trưởng đoàn và thành viên đoàn công tác phòng chống thiên tai của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, chỉ đạo các địa phương trong côngtác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt do ảnh hưởng của mưa lũ; thực hiện báo cáo theo quy định.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyêntruyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó bão, mưa dông kèm lốc, sét, sạt lở và gió giật mạnh, trong đó tập trung vào các nội dung: biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn; gia cố, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Từ 11h - 14h ngày 7/9, khu vực tỉnh Hòa Bình đã có gió mạnh cấp 4, giật cấp 5. Dự báo, từ chiều 7/9, khu vực tỉnh Hòa Bình có gió mạnh phổ biến cấp 4 - 5, có nơi cấp 6 - 7, trong mưa giông đề phòng có gió giật cấp 9.
Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gẫy, đổ cây, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão đạt cấp 3.
Từ tối 7/9 đến ngày 9/9, tỉnh Hòa Bình có mưa to đến rất to và giông. Lượng mưa ở huyện Mai Châu, Tân Lạc dự báo từ 180 - 250mm, có nơi lớn hơn 300mm. TP Hòa Bình và các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Đà Bắc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, có nơi lớn hơn 350mm.
Mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc. Mưa kèm theo gió mạnh làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây trơn trượt, nguy hiểm khi đi đường.