Theo chuyên gia Vương Đình Dũng (Trung tâm Bảo hành điện thoại FPT shop), điện thoại di động là đồ dùng cá nhân có chứa rất nhiều thông tin riêng tư cần bảo mật. Do vậy, nếu không giám sát toàn bộ quá trình sửa, người dùng cần thực hiện các thao tác để tránh lộ các tài liệu quan trọng, thông tin cá nhân như hình ảnh, video, tài khoản mạng xã hội…
Việc đầu tiên cần làm trước khi mang điện thoại đi sửa là copy toàn bộ ảnh, video, dữ liệu cá nhân trong điện thoại ra một ổ lưu trữ hoặc một điện thoại dự phòng. Với những dữ liệu như danh bạ, hình ảnh, tin nhắn và tệp dung lượng nhẹ cần thiết có thể tải lưu trên các dữ liệu đám mây như iCloud hay Google Drive. Sau đó tháo sim và thẻ nhớ ra khỏi máy tránh thất lạc, mất hỏng thẻ trong quá trình sửa chữa cũng như để bảo mật thông tin cá nhân.
Trước khi trao điện thoại cho cửa hàng sửa chữa, người dùng cần xóa lịch sử truy cập web và mật khẩu đã lưu trên thiết bị để tránh lộ thông tin cá nhân. Tất cả các trình duyệt web phổ biến và được sử dụng rộng rãi hiện nay như Safari, Cốc Cốc, Google Chrome, Firefox… đều có thể tự động lưu lại mật khẩu người dùng. Nếu không chắc chắn, hãy xóa các cài đặt này và khôi phục sau khi điện thoại sửa xong.
Người dùng cũng cần đăng xuất ra tất cả các tài khoản mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin đang sử dụng. Đa phần các ứng dụng mạng xã hội phổ biến hiện nay đều sở hữu phiên bản cả trên điện thoại và máy tính cho người dùng dễ sử dụng. Ngoài ra, việc ứng dụng bảo mật hai lớp trên các thiết bị đồng bộ có thể sẽ gây khó khăn khi một thiết bị hỏng hóc, trục trặc. Do vậy, trong trường hợp đăng ký bảo mật hai lớp liên thông giữa điện thoại và máy tính, cần thay đổi bảo mật trên máy tính sang một điện thoại khác, tránh trường hợp không thể sử dụng các tài khoản khi thiếu xác nhận bảo mật.
Trong trường hợp, không thể truy cập tài khoản trên ứng dụng điện thoại vì lý hư hỏng đột ngột, sập nguồn, hết pin, hãy thay đổi mật khẩu của phần mềm phiên bản trên máy tính.